Hiệu quả từ nguồn vốn chính sách tại Kiên Lương

Những năm qua, nhờ được tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Kiên Lương đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo.
Với mô hình mua bán, kinh doanh rau xanh chị Phan Thị Phương Thùy, ngụ thị trấn Kiên Lương (Kiên Lương) thu nhập từ 500 đến 700 ngàn đồng/ngày
Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hàng ngàn lượt khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; hàng trăm công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho hàng trăm khách hàng được vay để phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ hàng trăm học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đóng học phí, mua máy tính, thiết bị học tập...
Là một trong những hộ gia đình tại xã Dương Hòa (Kiên Lương) được xét đề nghị Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay vốn giải quyết việc làm với số tiền 50 triệu đồng, anh Lâm Vũ Trương, chia sẻ, khi được xét hỗ trợ vay vốn, anh đã đầu tư cải tạo thêm ao nuôi và mua thêm con giống để nuôi tôm, cua quảng canh. Nhờ nắm bắt được quy trình nuôi và siêng năng trong canh tác nên gia đình thu nhập khá, trung bình từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng. “Nguồn vốn vay đã giúp gia đình tôi có thêm điều kiện để nuôi trồng, nhờ đó cuộc sống gia đình hiện nay thu nhập khá hơn, không còn khó khăn như trước nữa”.
Từ nguồn vay 50 triệu đồng, anh Lâm Vũ Trương, ngụ xã Dương Hòa (Kiên Lương) thực hiện mô hình nuôi tôm, cua quảng canh, thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng
Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, những năm qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiên Lương đã triển khai 14 chương trình tín dụng; tổng dư nợ đến nay đạt hơn 339 tỷ đồng, cho 8.379 hộ vay vốn, gồm: Hộ nghèo, học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nước sạch vệ sinh môi trường, nhà ở...
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng giúp giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Một số địa phương có doanh số cho vay cao như: Xã Bình An, Hòa Điền, thị trấn Kiên Lương…
Chị Nguyễn Thị Tím, ngụ tại tổ 2, ấp Bãi Chướng, xã Hòn Nghệ (Kiên Lương), cho biết, năm 2022 chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã xét đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiên Lương giải ngân nguồn vốn vay 50 triệu đồng để phát triển kinh tế. Có nguồn vốn hỗ trợ, chị mạnh dạn đầu tư mở rộng tiệm mua bán tạp hóa của gia đình. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên đến nay gia đình chị Tím có mức thu nhập khá, trung bình từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng. Chị Tím là hội viên tích cực tham gia phong trào của Hội và địa phương phát động. “Nguồn vốn do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã xét đề nghị cho gia đình vay đã giúp gia đình mở rộng thêm được mô hình kinh doanh nên cuộc sống hiện giờ khá hơn nhiều. Con cái của tôi đã được học hành đàng hoàng, đầy đủ”, chị Nguyễn Thị Tím nói.
Còn đối với gia đình chị Phan Thị Phương Thùy, ngụ tại khu phố Cư Xá, thị trấn Kiên Lương (Kiên Lương), hơn 1 năm trước, chị được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Từ số tiền vay nêu trên chị đầu tư sửa chữa nơi mua bán và nhập thêm mặt hàng rau xanh tại Chợ Tròn thị trấn Kiên Lương. Do thuận tiện trong buôn bán cộng với việc cần cù, chịu khó công việc buôn bán của chị Thùy ngày càng thuận lợi, hiện hàng ngày thu nhập của chị Thùy từ 500 đến 700 ngàn đồng/ngày. Chị Thùy cho biết, trước đây do không có vốn nhiều nên chị chỉ nhập hàng đủ bán, vào những thời điểm mặt hàng rau xanh hút khách, để có tiền nhập hàng để bán, chị Thùy phải vay vốn bên ngoài nên mức lãi suất cao, dẫn đến thu nhập gia đình cũng ít đi. “Có được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất thấp, cộng với việc mình đóng tiền tiết kiệm hàng tháng nên sau khi đến kỳ hạn trả vốn cũng đỡ khó khăn hơn”, chị Phan Thị Phương Thùy nói.
Theo ông Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiên Lương cho biết, để triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi hiệu quả, đúng đối tượng, chúng tôi phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác xác định đối tượng có nhu cầu vốn, tạo mọi điều kiện để giải ngân kịp thời khi được giao vốn; đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, tránh trục lợi chính sách.
“Nguồn vốn đã trở thành điểm tựa để người có hoàn cảnh khó khăn mạnh dạn đầu tư các mô hình sản xuất - kinh doanh, từng bước thoát nghèo, góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo của huyện. Đồng thời góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với các dịch vụ tài chính - ngân hàng hiện đại; từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp các hộ sử dụng vốn vay có hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống”, ông Nguyễn Chí Hiếu nói./.
Văn Phụng
Chia sẽ:

Tìm kiếm trang này

Bài mới đăng



Copyright 2017 © Truyền thanh Kiên Lương
Khu phố Ba Hòn | Kiên Lương | Kiên Giang