Tự hào Mo So

Sáng ngày 27/7, huyện Kiên Lương long trọng tổ chức lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử và thắng cảnh núi Mo So, thuộc địa bàn xã Bình An, huyện Kiên Lương. Nơi đây vừa là điểm du lịch hấp dẫn, vừa là niềm tự hào của người dân Kiên Lương khi núi Mo So đã chứng kiến những chiến công hiển hách của cha anh đi trước để bảo vệ độc lập, hòa bình cho Tổ quốc hôm nay.
Khu di tích lịch sử, thắng cảnh núi MoSo nhìn từ trên cao
Núi Mo So là một dải đá vôi có nhiều hang động đẹp, địa hình hiểm trở, còn có ý nghĩa hơn vì trong những năm kháng chiến chống Pháp, Quân khu 9 đã chọn Mo So làm xưởng Công binh 18. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Huyện ủy Hà Tiên cũng lấy Mo So làm nơi đóng quân của các cơ quan cấp huyện, dựa vào địa hình hiểm trở của dải núi đá Mo So quân và dân ta đã tiêu diệt được rất nhiều tên địch góp phần chung vào công cuộc giành độc lập cho đất nước. Với giá trị lịch sử của mình, núi Mo So được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhân là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1995.
Thiếu tá Nguyễn Tấn Liệt, nguyên Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hà Tiên trước đây, người từng tham gia chiến đấu tại Mo So kể lại, trước đây khi cùng các cơ quan của Huyện ủy Hà Tiên di chuyển vào bám trụ tại khu căn cứ Mo So, chú đã từng chứng kiến gia tham và rất nhiều trận đánh giữa quân ta và địch tại khu căn cứ này. Đã nhiều năm trôi qua nhưng bản thân chú lúc nào cũng nhớ như in cái ngày mà các cơ quan của Huyện ủy Hà Tiên dời về Mo So, lúc ấy vào khoảng tháng 8/1968 sau cuộc tổng tấn công 1968, khi ấy quân địch bắt đầu đánh phá quân ta quyết liệt, không thể dựa vào rừng tràm bám trụ được nữa, chủ trương của Huyện ủy Hà Tiên lúc bấy giờ do đồng chí Nguyễn Văn Khoảnh (tên thường gọi là Ba Ca). Bí thư Huyện ủy chỉ đạo là phải chuyển hướng bám trụ cho bằng được vì địa bàn Hà Tiên tiếp giáp biên giới Campuchia, nối liền đường dây 1C là hành lang chuyển quân và vũ khí về miền Tây. Để đảm bảo hành lang được thông suốt quân ta mới chuyển hướng về núi để bám trụ đó cũng là lý do chính mà quân ta về Mo So.
Khi vào đến núi Mo So quân ta đóng ở 3 núi: Thanh Trà, Cù Thơm và Mo So, trong đó Mo So là núi lớn có nhiều hang động, địa hình phức tạp nên hầu hết các cơ quan của huyện đều đóng ở đây. Vừa về đến được một vài ngày thì địch đã bắt đầu đưa quân đến để đánh thăm dò ta ở hai núi Cù Thơm và Thanh Trà. Trước khi đưa bộ binh đến đánh ta, địch đã cho máy bay đến bỏ bom quyết liệt, hết phi vụ này đến phi vụ khác, cộng với pháo mặt đất ở chi khu Kiên Lương, pháo tàu ở ngoài biển bắn vào… làm tan tành vườn tược, nhà cửa của người dân xung quanh núi Thanh Trà, sau đó chúng đưa bộ binh vào tấn công ta.
Lúc đầu chúng chỉ lấy lực lượng chi khu thuộc quận Kiên Lương quần đánh với ta vài ngày, thấy không thắng được ta, chúng tiếp tục huy động thêm lực lượng của tiểu khu bao vây đánh ta suốt hàng tháng trời, nhưng cũng không đánh chiếm được. Vào thời điểm này cũng đang là mùa mưa, thấy dùng bộ binh đánh chiếm không được, địch bắt đầu chuyển sang dùng phi pháo đánh phá suốt thời gian dài vài tháng để chờ mùa khô, song song đó chúng dùng máy bay rải chất độc hóa học, rải bom râu nhằm bao vây chia cắt Mo So với bên ngoài không cho lực lượng ta ra vào tiếp lương, tải đạn. Không chịu bó tay trước khó khăn quyết liệt, lãnh đạo Huyện ủy đã họp bàn và đi đến quyết định là phải phá bom râu nhằm mở đường ra vào nối cho được với con đường chiến lược 1C và xuống tận U Minh.
Sau những trận đánh vào Mo So nhưng đều thất bại, điên cuồng hơn địch đã tập trung chi viện gồm 2 trung đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn công binh và nhiều xe tăng thiết giáp, đại đội pháo… bắn phá ta quyết liệt nhằm “san bằng Mo So” nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, sự mưu trí dũng cảm trong chiến đấu, biết lợi dụng vào địa thế hiểm trở của Mo So quân và dân ta đã ngăn chặn và đẩy lùi hàng chục đợt tiến công của địch, ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc bao vây với quy mô lớn của giặc, hàng ngàn tên phải “bỏ mạng” tại Mo So, tiêu diệt và thu giữ hàng trăm xe tăng, hàng tấn vũ khí các loại của quân địch, làm nên một chiến công anh dũng giữ vững căn cứ cách mạng Mo So.
Về giá trị du lịch, núi Mo So có hình vành khăn, ở giữa có một thung lũng nhỏ rộng hơn 1.000 m² với cây cối tốt tươi. Theo các nhà nghiên cứu địa chất, những hang động trong đó có núi Mo So được hình thành do bị xâm thực hàng triệu năm trước khi vùng đất này còn chìm dưới mực nước biển hơn 2 m. Dấu vết còn lại của nó là những ngấn nước ăn khuyết vào đá tạo ra những hang, hố có hình dáng lạ lùng, kỳ bí... Bởi vậy, ở núi Mo So có hơn 20 hang động lớn nhỏ và ăn thông với nhau. Có chỗ hang chỉ vừa một người lách qua. Có chỗ hang phình ra rộng rãi như căn nhà lớn đủ sức chứa vài trăm người. Đặc biệt, trong lòng hang động của Mo So, còn có những con suối ngầm chảy lượn lờ và có nhiều thạch nhủ khá đa dạng. Đây là một “Thạch đạo” tuyệt tác do thiên nhiên ban tặng. Mo So ẩn chứa, lưu giữ nhiều giá trị độc đáo về mỹ quan, mỹ thuật, địa chất, địa mạo, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách và phục vụ nghiên cứu khoa học.
Đến Mo So đi theo đường món phía Tây, du khách đến một hang động đồ sộ nhất gọi là hang Quân y - Cơ yếu - Kinh tài. Hang có chiều sâu hun hút trên 20m và có xu hướng mở rộng dần. Lan tỏa trong lòng hang là dòng suối mát lạnh bắt nguồn từ mạch nước ngầm. Nếu như đến vào mùa mưa du khách sẽ bắt gặp những đàn cá tung tăng bơi lội như đang cùng hành trình cùng với du khách vào trong hang động. Thỉnh thoảng du khách cũng sẽ bắt gặp vài con dơi lạ tung cánh chao lượng dưới luồng ánh sáng của “giếng trời” khiến cho cảnh vật trong hang thêm lung linh, huyền ảo. Đâu đó ẩn hiện sau ánh sáng mờ ảo là những cụm thạch nhũ tạo hình vô cùng tuyệt mỹ, sống động và độc đáo đến ngỡ ngàng.
Đi càng vào sâu trong hang, du khách sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị từ những khối đá trong hang, những phiến đá có hình đĩa bay, đá tai mèo, hình con cóc và nhiều gân đá nổi lên trên vách như những dòng chữ hán, cộng với ánh sáng và những luồng gió lồng vào mát lạnh, tạo cảm giác vừa u tịch lại vừa thơ mộng, hữu tình.
Ngày nay, với ý nghĩa lịch sử và nhiều hang động đẹp, hàng năm Mo So thu hút hàng ngàn khách thập phương đến tham quan du lịch, khám phá những hang động với nhiều hình thù đẹp mắt kỳ thú và để hiều thêm về lịch sử của ngọn núi này. Núi Mo So còn là một trong những nơi được các đoàn viên, thanh niên ở địa phương thường xuyên đến để tổ chức các hoạt động về nguồn, nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ những giá trị về truyền thống hào hùng của cha ông đi trước./.
MoSo Kiên Cường
Chia sẽ:

Tìm kiếm trang này

Bài mới đăng



Copyright 2017 © Truyền thanh Kiên Lương
Khu phố Ba Hòn | Kiên Lương | Kiên Giang