Thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi heo

Nhờ siêng năng cộng với quyết tâm dám nghĩ, dám làm, gia đình anh Trần Văn Hùng, ngụ khu phố Cư Xá Mới, thị trấn Kiên Lương (Kiên Lương), áp dụng thành công từ mô hình chăn nuôi heo, mang về thu nhập cho gia đình mỗi năm từ 50 - 80 triệu đồng/năm.
Trước khi chuyển sang nuôi heo, gia đình anh Hùng đã từng làm đủ nghề để kiếm sống, nhưng cuộc sống gia đình vẫn còn gặp nhiều khó khăn, qua học hỏi thấy mô hình chăn nuôi heo của nhiều hộ gia đình khác có hiệu quả, anh bắt đầu chuyển sang nuôi heo từ vài năm nay.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiên Lương đến thăm mô hình nuôi heo của gia đình anh Trần Văn Hùng (trái)
Lúc đầu không có vốn, anh chỉ dám nuôi một vài con heo thịt để phụ giúp thêm kinh tế gia đình, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên lứa đầu tiên, gia đình có lãi khá, từ đó làm động lực để anh mạnh dạn chọn mô hình chăn nuôi heo để phát triển kinh tế gia đình.
Vốn cần cù chịu khó, anh tìm đến các người nuôi khác có kinh nghiệm và đọc thêm sách báo để học hỏi. Ngoài ra, mỗi khi địa phương tổ chức tập huấn anh tích cực tham gia để học hỏi thêm kiến thức và kinh nghiệm trong chăn nuôi.
Một trong những thuận lợi của gia đình anh Hùng đó là anh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện xét hỗ trợ vay 50 triệu đồng. Nhờ đó, anh có vốn đầu tư mua thêm con giống để nuôi và mở rộng thêm chuồng trại.
Theo anh Hùng, nghề nuôi heo cũng cần có bài bản, kỹ thuật, chăm sóc và tiêm ngừa đầy đủ các bệnh cho heo thì mới đạt hiệu quả. Đặc biệt, đối với heo con mới sinh, người nuôi cần chăm sóc kỹ trong 3 tháng đầu, vì lúc này heo con còn yếu, dễ chết, ngoài ra phải theo dõi kỹ quá trình phát triển của heo con, khi phát hiện bệnh thì điều trị kịp thời thì heo mới phát triển được.
“Để nuôi heo thành công, người nuôi còn phải biết cách chăm sóc, cho heo ăn, ví dụ như heo nhỏ cho ăn phải đủ liều lượng, không thể cho ăn nhiều được, thứ 3 là tiêm thuốc phải có định kỳ để heo không bị bệnh dẫn đến hao hụt”, anh Hùng chia sẽ.
Hiện tại mỗi năm gia đình xuất chuồng bán 2 lần, mỗi lần từ 10 – 15 con, ước tính sau khi trừ đi tất cả chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình còn lời từ 50 - 80 triệu đồng/năm. Nhờ đó, cuộc sống gia đình anh dần thoát nghèo, kinh tế gia đình ngày càng phát triển.
Những năm gần đây, do giá heo thất thường, giá thức ăn lại tăng cao nên việc chăn nuôi heo của gia đình cũng gặp không ít khó khăn, tuy nhiên, với quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế từ chăn nuôi heo, anh Hùng tiếp tục học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi và tìm thêm con giống mới phù hợp với điều kiện địa phương để chăn nuôi nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. “Trong chăn nuôi heo, giống là tiền đề, thức ăn là cơ sở cho việc nâng cao hiệu quả kinh tế. Do đó, chọn được heo giống đạt tiêu chuẩn là mối quan tâm hàng đầu của người chăn nuôi. Trước khi nuôi heo thịt, người nuôi phải chọn giống heo tốt, rõ nguồn gốc, đảm bảo heo nuôi phải lớn nhanh, khỏe mạnh. Chính vì vậy, hiện nay tôi đang tìm những giống heo mới để nuôi cho phù hợp tại địa phương”, anh Trần Văn Hùng chia sẽ.
Chị Phạm Thị Mỹ Tiên, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn khu phố Cư Xá Mới, thị trấn Kiên Lương (Kiên Lương), cho biết, những năm qua tại khu phố Cư Xá Mới, từ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nhiều hộ gia đình đã thoát được nghèo và vươn lên khá giả. Trong đó có gia đình anh Trần Văn Hùng, một trong những hộ biết sử dụng nguồn vốn có hiệu quả từ chăn nuôi heo mang lại thu nhập khá cho gia đình.
“Ngoài phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi heo, anh Hùng còn sẵn sàng hỗ trợ những hộ khác về kinh nghiệm chăn nuôi cũng như tích cực tham gia các phòng trào, hoạt động ở địa phương khi phát động”, chị Phạm Thị Mỹ Tiên nói.
Một trong những mong muốn của gia đình anh Trần Văn Hùng đó là hiện nay, anh mong muốn mở rộng quy mô chăn nuôi của gia đình mình thêm, chính vì vậy, anh đề nghị địa phương xem xét đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiên Lương hỗ trợ nguồn vốn nhiều hơn so với trước đây là 50 triệu đồng./.
Văn Phụng
Chia sẽ:

Tìm kiếm trang này

Bài mới đăng



Copyright 2017 © Truyền thanh Kiên Lương
Khu phố Ba Hòn | Kiên Lương | Kiên Giang