Trồng luân canh khoai môn – lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao

Thời gian gần đây, một số hộ dân tại ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương thực hiện việc chuyển đổi trồng 2 vụ lúa/năm thành 1 vụ lúa - 1 vụ khoai môn, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa mở ra hướng canh tác mới cho bà con nông dân địa phương.
Kiên Thanh là ấp thuần nông tại xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương khi có trên 90% người dân ở đây canh tác lúa 2 vụ/năm. Những năm gần đây, khi trồng lúa ngày càng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, xâm nhập mặn, giá cả bấp bênh...thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương được chính quyền địa phương và người dân tính đến.
Ông Đỗ Trung Kiên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, cho biết, nhằm tìm hướng đi mới trong sản xuất, từng bước chuyển đổi việc trồng độc canh cây lúa của bà con đia phương, đầu năm 2019, Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ nghệ tỉnh thực hiện mô hình “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật triển khai thử nghiệm mô hình trồng luân canh khoai môn - lúa”. Mục tiêu là để bổ sung đối tượng trồng mới, giảm rủi ro do dịch bệnh trên cây lúa, giảm sự thoái hóa tài nguyên đất. Ngoài ra, khoai môn là cây trồng cạn nên hiệu số sử dụng nước ít hơn so với cây lúa, lại có đầu ra ổn định, sản lượng và giá cao nên cho thu nhập tốt hơn. “Mô hình ban đầu đã chọn một số hộ nông dân tại ấp Kiên Thanh và ấp Cống Tre, xã Kiên Bình để thực hiện. “Trước khi xuống giống, các hộ nông dân đã được cán bộ đến tập huấn kỹ thuật, mật độ trồng là 18.000 củ/1ha. Qua 6 tháng chăm sóc, khoai môn cho thu hoạch. Sau đó, làm đất, gieo sạ lại vụ lúa như bình thường”, ông Đỗ Trung Kiên nói.

Nhờ trồng luân canh nên cây khoai môn phát triển rất tốt, ít sâu bệnh nên mang lại thu nhập cao hơn so với trồng 2 vụ lúa/năm. Trong ảnh, anh Phạm Hoàng Lưu, ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương chăm sóc vụ khoai môn trồng luân canh với lúa năm 2020

Anh Phạm Hoàng Lưu, ở ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương cho biết, 3 năm trước, anh đầu tư trồng 3 ha khoai môn trên nền đất lúa của gia đình. Vụ khoai môn trồng anh bắt đầu trồng từ tháng 7 hàng năm, giống khoai môn trồng là môn cao, có chất lượng giống khá tốt, được thương lái ưu chuộng. Trong quá trình canh tác, chủ yếu sử dụng phân hữu cơ vi sinh nhằm hạn chế dịch bệnh. Nhờ đó, tỷ lệ cây sống đến thu hoạch đạt năng suất cao. “Việc trồng luân canh khoai môn - lúa tránh được hiện tượng cây môn, hoặc lúa dễ bị nhiễm bệnh, mặt khác việc chăm sóc cũng tốn nhiều chi phí hơn nên tôi quyết định thực hiện mô hình này”, anh Phạm Hoàng Lưu cho biết thêm.
Anh Bùi Văn Đức, ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, cho biết, quy trình trồng môn cũng rất đơn giản, để tăng hiệu quả sản xuất trên cùng 1 đơn vị diện tích, sau khi thu hoạch vụ môn, gia đình anh bắt đầu làm đất chuẩn bị cho gieo sạ vụ lúa Đông Xuân. Nhờ cách trồng luân canh này nên lượng phân bón cho khoai môn cũng như cho lúa thấp hơn so với trồng 2 vụ lúa/năm. Bên cạnh đó sâu bệnh cũng ít hơn nên mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. “Nếu cây môn phát triển tốt, giá ổn định, thu nhập từ trồng xen canh khoai môn - lúa sẽ cao hơn từ 3 đến 5 lần so với trồng 2 vụ lúa”, anh Bùi Văn Đức chia sẽ.
Cũng theo ông Đỗ Trung Kiên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, một trong những thuận lợi của các hộ dân trồng luân canh khoai môn - lúa tại ấp Kiên Thanh đó là nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của ngành chức năng, cộng với việc mạnh dạn áp dụng mô hình mới của bà con nông dân địa phương mô hình trồng xen canh này từng bước hoàn thiện quy trình kỹ thuật, giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả hơn. “Qua đánh giá kết quả cho thấy, việc trồng luân canh khoai môn – lúa là rất phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, qua triển khai mô hình thí điểm, hiện tại ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình đã thành lập Hợp tác xã Tiến Phương với hơn 10 xã viên, sản xuất trên diện tích hơn 20 ha”, ông Đỗ Trung Kiên nói.
Với những thành công của mô hình trồng luân canh khoai môn - lúa bước đầu đã mang lại kết quả tích cực, giúp người dân tại địa phương có cơ hội tiếp cận với mô hình canh tác mới, nhằm tăng năng suất, lợi nhuận cho bà con so với việc canh tác lúa truyền thống 2 vụ/năm như trước đây. Và trên hết mô hình canh tác này giúp bà con chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thổ những địa phương, thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay./.
                                                                                        Văn Phụng
Chia sẽ:

Tìm kiếm trang này

Bài mới đăng



Copyright 2017 © Truyền thanh Kiên Lương
Khu phố Ba Hòn | Kiên Lương | Kiên Giang