Hiệu quả từ mô hình góp gạo giúp người già neo đơn tại xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương

Để giúp người già yếu, neo đơn, người không nơi nương tựa được vơi bớt khó khăn. Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương thành lập mô hình “Khéo vận động hội viên tổ chức nuôi dưỡng chăm sóc người già neo đơn”. Từ khi ra đời, mô hình này đã trở thành cứu cánh cho rất nhiều người cao tuổi trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Giữ - Chủ tịch Hội CTĐ xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương cho biết, để thực hiện có hiệu quả mô hình này, bước đầu Hội đã tiến hành khảo sát, lập hồ sơ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được trợ giúp. Để tiến hành vận động cán bộ, hội viên đăng ký trợ giúp, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thông qua các buổi sinh hoạt tổ nhân dân tự quản, các cuộc sinh hoạt chi tổ hội đoàn thể, nêu gương điển hình người tốt việc tốt...”Qua khảo sát, nắm bắt số lượng hội viên khó khăn trên địa bàn để giới thiệu hình ảnh các địa chỉ nhân đạo với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm chia sẻ, cảm thông và tự chọn hình thức trợ giúp thích hợp, sát với nhu cầu của đối tượng”, ông Nguyễn Văn Giữ nói.

Sức khỏe yếu không thể lao động được nên số gạo hỗ trợ hàng tháng của Hội CTĐ xã Dương Hòa đã giúp bà Dương Thị Huội, ở ấp Bãi Chà Và giảm bớt phần khó khăn trong cuộc sống. Trong ảnh, ông Nguyễn Văn Giữ (phải) - Chủ tịch Hội CTĐ xã Dương Hòa (Kiên Lương) trao 10kg gạo hỗ trợ hàng tháng cho bà Huội


 Đặc biệt, trong 2 năm 2019 và 2020, Hội CTĐ xã đã phối hợp cùng các ngành, các ấp kêu gọi các hội viên và mạnh thường quân ủng hộ hơn 700 xuất quà, trị giá trên 200 triệu đồng, phối hợp cùng Trạm y tế kêu gọi y bác sĩ từ Thành phố Hồ Chí Minh khám bệnh miễn phí 2 đợt cho hơn 140 cụ. Nhân dịp tết Hội cũng đã phối hợp thăm, tặng quà cho các cụ. Ngoài ra, hàng tháng Hội đã giúp đỡ cho 8 cụ già neo đơn, mỗi cụ 10 kg gạo cùng với đường, nước mắm, tăng 5 cụ so với thời kỳ mới đăng ký mô hình.
Đã 82 tuổi, bà Dương Thị Huội, ở ấp Bãi Chà Và không có người thân giúp đỡ, tuổi cao không thể tự lao động, bà chỉ biết dựa vào số tiền trợ cấp 270.000 mỗi tháng dành cho người cao tuổi. Hiểu được hoàn cảnh ấy, hàng tháng, Hội CTĐ xã tặng bà thêm 10 kg gạo, nhằm giúp bà giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Bà Hụi nói rằng, vì tuổi cao nên không thể làm việc gì ra tiền để nuôi bản thân, chính vì thế, số tiền và gạo là nguồn thu nhập duy nhất của bà giúp sống qua ngày.
Dương Hòa là một trong những địa phương có phong trào chăm lo cho người cao tuổi khá tốt tại huyện Kiên Lương. Những năm qua, kinh tế - xã hội của xã ngày càng phát triển, đời sống của bà con cũng ổn định. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn nhiều trường hợp không thể tự xoay xở nỗi, đó chính là những trường hợp người già, neo đơn. Chính vì thế, việc góp gạo mỗi tháng nhằm hướng đến các hoàn cảnh ấy. Nếu ban đầu chỉ hỗ trợ cho vài trường hợp được hỗ trợ thì đến nay sau khi thực hiện mô hình toàn xã đã có 10 người được nhận hỗ trợ gạo hàng tháng.
Theo ông Ong Văn Lình - Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, cho biết từ khi Luật Người cao tuổi đi vào đời sống, các chính sách dành cho người cao tuổi được thực hiện ngày càng tốt hơn. Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn nhiều hộ phải sống trong những căn nhà tạm bợ, nhiều cụ già không nơi nương tựa cần được giúp đỡ, việc vận động hội viên và các tổ chức, cá nhân cùng nuôi dưỡng chăm sóc người già neo đơn của Hội CTĐ đã giúp giải quyết một phần khó khăn ấy. “Đây là một trong những mô hình rất thiết thực, nhằm góp phần giảm bớt những khó khăn cho những hộ người cao tuổi, neo đơn trên địa bàn và thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội tại địa phương”, ông Ong Văn Lình nói.
Với hiệu quả khá thiết thực, mô hình đã không chỉ giúp người cao tuổi bớt khó khăn hơn về vật chất, mà còn mang lại cho họ niềm vui về tinh thần. Bởi mỗi khi nhận quà, họ thấy rằng, họ không hề neo đơn./.
                                                                                          Văn Phụng
Chia sẽ:

Tìm kiếm trang này

Bài mới đăng



Copyright 2017 © Truyền thanh Kiên Lương
Khu phố Ba Hòn | Kiên Lương | Kiên Giang