Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân tại xã Bình Trị, (Kiên Lương) đang thực hiện mô hình tôm, lúa, cua đạt hiệu quả cao, mang lại thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Gia đình chị Bùi Thị Đằng, ở ấp Núi Mây, xã Bình Trị là một điển hình.
Chị Bùi Thị Đằng cho biết, năm 1994 gia đình chị chuyển từ tỉnh Cà Mau đến ấp Núi Mây, xã Bình Trị (Kiên Lương) để lập nghiệp. Khi đến đây, chị mua được 5 ha đất lúa để canh tác, nhưng vì đất còn phèn nhiều, chưa có kênh thoát lũ, xả phèn, nên không trồng lúa được. Những năm đầu đều bị thua lổ, cao lắm là lấy được vốn. Hơn 5 năm trở lại đây khi nhà nước có chủ trương nạo vét và khai thông những đường kênh mới, đã tạo điều kiện cho gia đình chị cải tạo ao, xả phèn và lấy nước mới vào ao để thực hiện mô hình trồng lúa xen tôm, cua. “Gia đình tôi chọn mô hình lúa xen tôm, cua vì việc sản xuất này phù hợp với vùng đất ở ấp Núi Mây. Do nguồn nước chưa chủ động được nên sản xuất xen tôm, lúa, cua cho thu nhập cao hơn so với chuyên trồng lúa hoặc nuôi tôm, cua”, chị Bùi Thị Đằng cho biết thêm.
Với việc thực hiện thành công mô hình sản xuất xen canh tôm, lúa, cua, mỗi năm gia đình chị Bùi Thị Đằng, thu nhập hơn 250 triệu đồng. Trong ảnh chị Bùi Thị Đằng (trái), trao đổi với chị Trần Thị Kim Mai - Chủ tịch hội LHPN xã Bình Trị (Kiên Lương) về quá trình phát triển của con tôm trong mô hình
Theo chị Bùi Thị Đằng, để nuôi trồng đạt hiệu quả, việc lựa chọn con giống đối với tôm, cua là rất quan trọng, phải lựa chọn được con giống tốt, khỏe mạnh, cộng với trong quá trình nuôi, người nuôi phải biết cải tạo ao, xử lý nước phù hợp với quá trình sinh trưởng của tôm, cua thì mới đạt năng suất cao. “Để tôm, cua phát triển khỏe, đạt năng suất cao thì việc làm ao, xử lý được là khâu quan trọng nhất, quyết định đến sự thành công hay thất bại trong mô hình. Chính vị vậy, khi nuôi mình cần chú ý nhiều đến các yếu tố này”, chị Bùi Thị Đằng chia sẽ.
Nhờ vừa làm vừa rút kinh nghiệm trong nuôi trồng, cũng như tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật được học từ các buổi tập huấn do Hội cấp trên tổ chức vào sản xuất, nên đến nay mỗi năm gia đình chị Đằng nuôi trồng đều có lãi, từ đó chị tiếp tục tích cóp tiền để mua thêm đất tiếp tục đầu tư sản xuất. Hiện nay với 20 ha thực hiện mô hình nuôi tôm, lúa xen cá, mỗi năm sau khi trừ chi phí đầu tư gia đình chị thu lời trên 250 triệu đồng, cuộc sống gia đình dần ổn định và khấm khá hơn. Nhận xét về mô hình của chị Bùi Thị Đằng, Chi trương Thị Mỹ Dung, ở ấp Núi Mây, xã Bình Trị (Kiên Lương) cho biết, từ mô hình hiệu quả của chị Đằng, nhiều chị em xung quanh đến tham quan, học hỏi về cách nuôi, xử lý nước...đều được chị Đằng vui vẻ hướng dẫn tận tình. “Hiện tôi có gần 10 ha sản xuất theo mô hình của chị Đằng, hàng năm đem lại thu nhập khá, nhờ đó mà kinh tế gia đình phát triển hơn”, chị Trương Thị Mỹ Dung nói.
Ngoài ra, hiện chị Đằng với vai trò là Chi Hội trưởng Phụ nữ ấp nên khi gia đình làm ăn có hiệu quả, chị Đằng còn tích cực vận động các thành viên trong ấp tham gia thực hiện. Ngoài việc chia sẽ kinh nghiệm nuôi trồng thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, mỗi khi có chị em thành viên hội trong ấp đến tìm hiểu, chị nhiệt tình chia sẽ, hướng dẫn cũng như trao đổi kinh nghiệm hay trong sản xuất, giúp hội viên thấy được hiệu quả qua mô hình mình để học tập, làm theo.
Chị Trần Thị Kim Mai - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Trị (Kiên Lương), cho biết, từ hiệu quả của mô hình canh tác tôm, lúa, cua, của gia đình chị Bùi Thị Đằng, hiện tại ấp Núi Mây, xã Bình Trị (Kiên Lương) đã có trên 10 hộ gia đình khác xung quanh đã và đang thực hiện theo mô hình này, ấp cũng thành lập được 1 tổ hợp tác sản xuất lúa, tôm với 5 thành viên, hàng năm các thành viên này nuôi trồng đều có lãi, qua đó đã góp phần nâng cao thu nhập cho chị em hội viên tại địa phương. “Riêng bản thân chị Đằng được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và tỉnh nhiều năm liền”, chị Trần Thị Kim Mai, cho biết thêm./.
Văn Phụng
Văn Phụng