Hiểu sự cần thiết và tiện ích của công nghệ trong cuộc sống hiện đại, nhiều người cao tuổi cố gắng tiếp cận, tích cực sử dụng thiết bị công nghệ thông tin để làm phong phú đời sống tinh thần, không bị lạc hậu trong thời đại công nghiệp 4.0.
Thời đại công nghệ số phát triển, internet phủ sóng rộng rãi từ thành thị đến nông thôn không chỉ giúp mọi người dễ dàng kết nối với nhau mà còn là kho dữ liệu khổng lồ về tri thức, thông tin, giải trí, đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng, trong đó có người cao tuổi.
Nguồn: baokiengiang.vn
Dù có những rào cản về tuổi tác nhưng đa số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đang tiếp cận với công nghệ hiện đại để thụ hưởng nhiều lợi ích thiết thực từ công nghệ số mang lại trong cuộc sống. Một trong những lợi ích của công nghệ là giúp người cao tuổi có thể tương tác và kết nối với người thân, bạn bè dễ dàng hơn.
Đang làm việc nhà nhưng khi điện thoại vang lên tiếng chuông quen thuộc của ứng dụng Zalo, bà Tạ Thị Hợi (58 tuổi), ngụ thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) vui vẻ, vội vàng lau tay rồi “bắt máy”. Nếu như trước đây bà Hợi chỉ quen dùng điện thoại phổ thông, có ít chức năng thì hiện bà gần như sử dụng thành thạo các chức năng cơ bản của điện thoại thông minh và những ứng dụng mạng xã hội.
Bà Tạ Thị Hợi, ngụ thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) sử dụng điện thoại thông minh để kết nối với con cháu.
.
Bà Hợi cho biết: “Chiếc điện thoại thông minh này là con gái tôi mua cho. Zalo, Facebook, YouTube cũng là con gái giúp tôi tạo tài khoản rồi hướng dẫn cách sử dụng. Ban đầu tôi thấy khó sử dụng, điện thoại to quá cầm không quen, chức năng phức tạp hơn điện thoại có sẵn bàn phím nhưng dùng vài tuần tôi quen dần”.
Từ ngày biết dùng điện thoại thông minh đến giờ, bà Hợi thường lên mạng tìm hiểu thêm kiến thức về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân. Ngày nào bà cũng kết nối trò chuyện với con cháu, người thân qua Zalo, không tốn phí điện thoại, còn được thấy hình ảnh trực tiếp, nguôi nỗi nhớ người thân ở quê.
Nhiều năm nay, ông Trần Văn Án, ngụ phường Vĩnh Thanh Vân, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) quen việc sử dụng điện thoại thông minh trong cuộc sống hàng ngày. Nhờ điện thoại thông minh kết nối internet, ông liên lạc với bạn bè, kết nối với con cháu, thu hẹp khoảng cách giữa các thế hệ. Bây giờ đọc báo, xem chương trình giải trí, mở lại các chương trình đã phát trên ti vi, tham gia lập hội, nhóm trên Facebook, Zalo, like, chia sẻ bài viết… ông tự tin, thành thạo sử dụng.
Có nhiều người cao tuổi khi mới tiếp cận thiết bị công nghệ thông tin còn hạn chế do tuổi cao, mắt kém, tay chậm..., nhưng được sự động viên của con cháu, họ dần làm quen và thành thạo sử dụng điện thoại, máy tính.
Chị Trần Thị Thu Vân - con gái ông Trần Văn Án, ngụ phường Vĩnh Thanh Vân chia sẻ: “Nhờ sự động viên thường xuyên của con cháu trong gia đình, ba tôi có thể sử dụng điện thoại thông minh. Thay vì nhờ các con xem dùm số tiền tiết kiệm hiện đang có như trước, giờ ba tôi có thể chủ động xem ngay trên điện thoại thông qua ứng dụng ngân hàng trực tuyến và có thể thao tác thanh toán trực tuyến mà không cần sử dụng tiền mặt”.
Những tiến bộ về công nghệ thông tin giúp người cao tuổi vượt qua nhiều trở ngại để kết nối với bạn bè, người thân. Theo tư vấn của nhân viên siêu thị Thế Giới Di Động tại TP. Rạch Giá, khác với thế hệ điện thoại đời cũ có sản phẩm điện thoại dành cho người già với loa to, chữ lớn…, điện thoại thông minh tích hợp tất cả các tính năng ưu việt.
Người sử dụng có thể vào cài đặt để tăng cỡ chữ, tăng âm lượng phù hợp người dùng cao tuổi, điện thoại thông minh tích hợp tính năng tìm kiếm giọng nói. Cùng với đó là hạn chế tải ứng dụng không cần thiết để người cao tuổi không bị rối mắt khi dùng. Những chiếc điện thoại giá từ 3-5 triệu đồng trên thị trường hiện nay khá phù hợp với người cao tuổi.
Công nghệ giúp người cao tuổi nâng cao chất lượng đời sống, từ đó thu hút người cao tuổi thích ứng và tích cực xây dựng thói quen sử dụng thiết bị công nghệ để trở thành công dân số trong thời đại công nghệ số. Ngoài sử dụng thiết bị công nghệ để cập nhật thông tin, kết nối với người thân, nhiều người cao tuổi còn ứng dụng giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số để đăng ký khám, chữa bệnh thay cho bảo hiểm y tế. Tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, người cao tuổi từng bước tiếp cận với thiết bị công nghệ thông tin.
Ông Phan Quốc Thông - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp An Thuận, xã Định An, huyện Gò Quao (Kiên Giang), việc người cao tuổi muốn tiếp cận các thiết bị công nghệ không khó bởi tại địa phương có các tổ công nghệ số cộng đồng sẵn sàng hướng dẫn người cao tuổi sử dụng thiết bị công nghệ thông tin để cập nhật thông tin, kiến thức bổ ích, góp phần cải thiện đời sống, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.
Bài và ảnh: CẨM TÚ