Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Khmer là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ, chính quyền xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương ra sức thực hiện, tạo điều kiện để người dân trên địa bàn cải thiện chất lượng cuộc sống về mọi mặt.
Hòa Điền là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm hơn 11,3% dân số toàn xã. Xác định công tác chăm lo cho đồng bào dân tộc Khmer là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua các ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn xã đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer vươn lên thoát nghèo.
Ông Lê Trung Nhẫn (bìa phải), Phó Chủ tịch UBND xã hòa Điền (Kiên Lương) thăm hỏi, động viên gia đình bà Thị Vân, thường trú ấp Núi Trầu. Đây là gia đình được xã xét hỗ trợ cất nhà “Đại đoàn kết” trong năm 2022
Bên cạnh đó, xã còn triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách của Nhà nước trong việc nâng cao đời sống cho bà con Khmer như: Hỗ trợ nhà ở, đất ở, hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo…Nhờ đó, đến nay đời sống của bà con đã thật sự thay đổi. Cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, trường học... tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo…
Ông Lê Trung Nhẫn, Phó Chủ tịch UBND xã hòa Điền (Kiên Lương), cho biết, thời gian qua xã Hòa Điền còn tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ đồng bào như: Phân công các chi bộ quản lý, theo dõi sâu sát các hộ nghèo, cận nghèo để kịp thời hỗ trợ; tạo mô hình sinh kế; vận động hỗ trợ quà, nhà tình thương cho hộ khó khăn, cho vay vốn sản xuất… “Riêng năm 2022, xã Hòa Điền vận động xây dựng được 15 căn nhà đại đoàn kết và nhà tình thương cho hộ nghèo, cận nghèo; 150 hộ là người khmer được vay vốn thoát nghèo bền vững”, ông Lê Trung Nhẫn cho biết thêm.
Là một trong những hộ vươn lên thoát nghèo từ chính sách của Nhà nước, anh Dương Minh Na, ở ấp Núi Trầu, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương khởi nghiệp từ 20 công đất ruộng. Trước đây làm ruộng khó khăn, năng suất thấp, lam lũ, vất vả nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, năm 2022, anh được vay 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi thêm bò thịt, nhờ sự cần mẫn chăm sóc nên đàn bò phát triển, sinh trưởng tốt. Tính đến nay, đàn bò của gia đình anh đã có 2 con, mỗi năm bò mẹ đẻ 1 lần được 2 con, anh bán với giá 10 triệu/con. Lúa anh làm 2 vụ/năm và có thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Nhờ chí thú làm ăn, dành dụm, sau khi trừ chi phí gia đình anh thu về trên 200 triệu đồng mỗi năm. Nay cuộc sống gia đình đã khá ổn định về kinh tế và vươn lên thoát nghèo.
“Được sự quan rân của nhà nước xét cho gia đình tôi vay vốn nên tôi luôn cố gắng, chí thú làm ăn. Vừa làm, vừa dành dụm tiết kiệm trong chi tiêu nên đến nay gia đình có mức thu nhập khá hơn. Tôi luôn biết ơn nhà nước, địa phương đã hỗ trợ gia đình mình”, anh Dương Minh Na nói.
Đối với gia đình bà Thị Vân, thường trú ấp Núi Trầu, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương một trong những hộ được địa phương xét cất nhà đại đoàn kết năm 2022 vừa qua chia sẽ, từ chính sách của Nhà nước, bà được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở kiên cố thay cho căn nhà dột nát trước đây.
Phấn khởi trước sự hỗ trợ kịp thời này, bà Thị Vân cho biết: “Mặc dù cố gắng lao động, tích cóp nhiều năm nhưng gia đình bà vẫn không cất nổi căn nhà lành lặn để ở, cứ tưởng gia đình bà phải sống trong căn chòi lụp xụp, dột nát đến suốt đời. Khi được nhà nước hỗ trợ tiền để xây căn nhà mới, gia đình bà mừng vui khôn xiết, bây giờ không còn chịu cảnh nhà nát cột xiêu như trước nữa, giúp gia đình bà an tâm lao động sản xuất”.
Có thể thấy, từ những hoạt động thiết thực chăm lo cho đồng bào Khmer của các cấp ủy đảng, chính quyền xã Hòa Điền đã góp phần cùng các cấp, các ngành thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giúp những hộ có hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào Khmer vươn lên trong cuộc sống./.
Văn Phụng