Qua 5 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, giai đoạn 2016 - 2020, tại huyện Kiên Lương có 53 mô hình, điển hình được công nhận điển hình “Dân vận khéo” cấp huyện, chiếm 82,8% so với tổng số mô hình đăng ký. Trong đó, nhiều mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của đoàn, hội viên và người dân địa phương.
Theo đó, các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế chiếm hơn 15% tổng số mô hình đăng ký trên địa bàn huyện. Trong đó, nhiều mô hình tiêu biểu, nổi bật, phát triển kinh tế theo hộ gia đình hay vận động nhân dân mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất từ độc canh sang đa canh, xen canh, hay kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân.
Nhờ tham gia Tổ hợp tác trồng rau màu nên hiện nay mỗi ngày gia đình chị
Cao Thị Phúc, khu phố
Lò Bom, thị trấn Kiên Lương (Kiên Lương) có thu nhập từ 300 đến 500 ngàn đồng
từ tiền bán rau. Trong ảnh, chị Cao Thị Phúc bó rau vừa thu hoạch để cung cấp
ra thị trường
Tiêu biểu trong lĩnh vực này là mô hình “Khéo vận động hội viên và nhân dân góp vốn xoay vòng theo mùa vụ” của Hội Nông dân ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình. Thành lập năm 2008 với 12 thành viên, đến nay đã thu hút lên 22 thành viên, với nguồn vốn góp được tổng cộng là 1,7 tỷ đồng trong 5 năm qua. Từ số tiền trên đã hỗ trợ cho 15 thành viên mua vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, một số hộ mua thêm đất sản xuất, hiện nay đã có 15 hộ ổn định cuộc sống, từ khó khăn vươn lên khá giả. Ông Bùi Văn Đức - Tổ trưởng, Tổ góp vốn xoay vòng theo mừa vụ Chi hội Nông dân ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, cho biết: “Đến nay, thu nhập thấp nhất của các hộ tham gia mô hình là 380 triệu đồng/hộ/năm, cao nhất là 530 triệu đồng/hộ/năm, hàng năm có 22/22 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”.
Còn đối với mô hình Mô hình “Khéo vận động thành viên tổ hợp tác nâng cao năng suất sản lượng rau và hoa màu” của Chi hội Phụ nữ khu phố Lò Bom, thị trấn Kiên Lương, thành lập từ năm 2018 với 10 thành viên, sản xuất trên diện tích 28 ngàn 500m2. Đến nay tổ hợp tác tăng thêm 5 thành viên, diện tích sản xuất tăng thêm 5.000 m2 , thu nhập mỗi thành viên từ 300 đến 700 ngàn đồng/ngày. Chị Cao Thị Phúc, ngụ tại khu phố Lò Bom, thị trấn Kiên Lương, thành viên tổ hợp tác cho biết, gia đình có hơn 2 công đất quanh nhà, từ khi tham gia tổ hợp tác đến nay, chị mạnh dạn đầu tư, cải tạo đất để trồng nhiều loại rau màu khác nhau để bán. Tùy theo mùa chị chọn trồng các loại rau như: Sà lách, rau thơm, rau muống... các loại rau này gieo sạ xen kẽ để mỗi ngày đều có rau thu hoạch. Hàng ngày gia đình chị cung cấp ra thị trường từ 50 đến 70 kg rau các loại, thu nhập từ 300 đến 500 ngàn đồng. “Nhờ đó mà đến đến cuộc sống gia đình cũng dẫn ổn định, thu nhập khá, các con thì được hoạc hành đến nơi đến chốn”, chị Cao Thị Phúc nói.
Là một trong những mô hình hoạt động có hiệu quả, mô hình “Khéo vận động hội viên giúp vốn phát triển nuôi cá lồng bè” của Hội Nông dân xã Hòn Nghệ cũng đã giúp cho các thành viên có thêm nguồn vốn để phát triển nghề nuôi, tạo thu nhập cho hội viên. Ông Nguyễn Đức Minh - Chủ tịch Hội nông dân xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, cho biết: “Được thành lập từ tháng 3/2016 đến nay đã giúp được 48 lượt hộ nuôi cá lồng bè, đầu tư mua 495 ngàn con cá giống các loại, với số tiền trên 17 tỷ đồng, thu nhập mỗi hộ được giúp đỡ từ 250 - 300 triệu đồng mỗi năm”, ông Nguyễn Đức Minh nói.
Tham gia mô hình “Khéo vận động hội viên và nhân dân góp vốn xoay
vòng theo mùa vụ” của Hội Nông dân ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình (Kiên Lương) từ
khi thành lập đến nay, qua 2 lần nhận tiền góp vốn anh Trần Kiên Sơn, đã mua được 1 ha đất sản xuất lúa 2 vụ, cộng với phần đất của gia đình 2 bên cho, đến
nay gia đình anh đã có thu nhập khá. Trong ảnh, anh Sơn chỉ phần đất mua được
từ tiền góp vốn
Nhờ phát huy có hiệu quả những mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế đã phát huy tinh thần cần cù, sáng tạo, chịu khó của người nông dân, bên cạnh việc mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nên năng suất, sản lượng ngày càng nâng lên, mang lại thu nhập cao cho người dân và hội viên. Hiệu quả từ những mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế còn góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người của huyện Kiên Lương hiện nay trên 76 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay giảm còn 1,79% so với dân số.
Ông Vương Minh Mẫn - Huyện ủy viên, Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Kiên Lương, cho biết, hiệu quả mang lại từ những mô hình “Dân vận khéo” còn góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo được sự đồng thuận của đông đảo đoàn, hội viên và quần chúng nhân dân, từ đó nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn. “Ngoài ra, thông qua các mô hình còn tiếp tục củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy, đó là những điều kiện thuận lợi cơ bản cho việc thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo của huyện trong thời gian tới”, ông Vương Minh Mẫn nói./.
Văn Phụng