Xã đảo Sơn Hải ngày mới

Xã đảo Sơn Hải, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang sở hữu một vùng biển rộng lớn, hợp thành từ nhiều đảo của quần đảo Bà Lụa. Với địa hình núi non trùng điệp, cảnh sắc hữu tình, nơi đây còn được mệnh danh là Hạ Long của đất phương Nam. Từ một xã đảo với nhiều khó khăn, nhưng sau ba năm kể từ khi lưới điện quốc gia về đến, diện mạo của Sơn Hải đã hoàn toàn đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần người dân nâng lên đáng kể. Cuối năm 2018, Sơn Hải đạt chuẩn xã nông thôn mới và xã đảo đang phấn đấu trở thành xã nông thôn mới nâng cao.
Người dân nuôi cá lồng bè đang cho cá ăn
Sỡ hữu hơn 42 hòn đảo lớn nhỏ trong quần đảo Bà Lụa, địa hình bốn bề là biển, trong phát triển kinh tế - xã hội, Sơn Hải tập trung cho mũi nhọn chính là khai thác và nuôi trồng thủy sản. Song song đó, Sơn Hải đẩy mạnh phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá, và gần đây xã đảo đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái.
Xã đảo Sơn Hải có diện tích tự nhiên là 440,2 ha, với 669 hộ trên 2.500 người, sống rải rác tại 14 hòn đảo lớn nhỏ, thuộc hai ấp là Hòn Heo và Hòn Ngang. Mặc dù có tiềm năng về khai thác và nuôi trồng thủy sản, địa hình và cảnh quan phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái… nhưng trong một thời gian dài Sơn Hải “ẩn mình”, người phương xa ít ai biết đến. Cái mà Sơn Hải thiếu lúc bấy giờ là phương tiện giao thông nối từ đất liền ra đảo, thiếu lưới điện quốc gia, thiếu nước ngọt sử dụng. Những cái thiếu cơ bản này khiến cho Sơn Hải gặp nhiều trở ngại cho quá trình phát triển. Nhưng đó là câu chuyện của Sơn Hải những năm trước đây, còn hiện tại khi đặt chân đến Sơn Hải mọi người sẽ bất ngờ trước những sự đổi thay mạnh mẽ của vùng biển đảo này.
Bước đột phá của Sơn Hải phải kể đến từ năm 2017, khi Công ty Điện lực Kiên Giang, thành viên của Tổng công ty Điện lực miền Nam, chính thức đóng điện vận hành dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo, với tổng vốn đầu tư gần 45 tỉ đồng. Công trình này đã góp phần tháo gỡ những khó khăn tồn tại bấy lâu nay cho một miền đất đảo. Có điện, nhiều hộ dân mở rộng cơ sở đóng, sửa chữa tàu bè, nhà máy nước đá, các cơ sở sơ chế hải sản được hình thành, người dân mạnh dạn mở các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, phục vụ khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng… Đất đảo trở nên nhộn nhịp, bà con mừng vui, đầu tư mở mang cơ sở kinh doanh tăng thu nhập, cuộc sống dần khấm khá. Giá điện không chỉ rẻ hơn so với trước đây, mà dòng điện còn ổn định, người dân chủ động mọi hoạt động trong sản xuất, kinh doanh. Gia đình ông Trịnh Thành Trung ra đảo sinh sống từ 1964. Trước đây ông làm nghề biển, hiện nay chuyển sang mở quán giải khát buôn bán. Cuộc sống gia đình sung túc, ấm no, nhưng ông Trung vẫn còn nhớ như in những khó khăn trước đây khi xã đảo còn trong cảnh thiếu điện, thiếu nước.
Cơ sở hạ tầng dần được cải thiện, các doanh nghiệp vận tải cũng đã mạnh dạn đầu tư mở tuyến, việc đi lại từ đất liền ra đảo giờ đã thuận tiện hơn. Hiện nay mỗi ngày có ít nhất 6 chuyến tàu từ đất liền ra vào đất đảo, thời gian cũng đã rút ngắn từ hai giờ xuống còn khoảng 30 phút so với trước.
Đánh dấu cho bước phát triển đó, cuối năm 2018, xã đảo Sơn Hải được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt xã đảo khang trang, hộ giàu, hộ khá tăng, hộ nghèo và cận nghèo còn không đáng kể. Hiện thu nhập bình quân đầu người của người dân đất đảo gần 51 triệu đồng/người/năm. Rất nhiều hộ dân đã xây dựng nhà kiên cố, khang trang, mở rộng các cơ sở dịch vụ, kinh doanh, sản xuất với quyết tâm “bám đảo làm giàu”. Theo điều kiện kinh tế đặc thù, Sơn Hải xác định lấy khai thác và nuôi trồng thủy sản làm mục tiêu phát triển. Trong đó khai thác xa bờ, nuôi cá lồng bè làm trọng tâm. Hiện nay, việc khai thác và nuôi trồng thủy sản của người dân đạt lợi nhuận khá cao. Nghề nuôi cá lồng bè, nhuyễn thể phát triển nhanh chóng, đa dạng về đối tượng, tăng nhanh về diện tích. Nghề đánh bắt tăng trưởng về phương tiện, công suất máy, sản lượng khai thác…
Mặc dù là đất đảo nhưng giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng tương đối ổn định, đảm bảo số lượng phục vụ nhu cầu của người dân. Để ngành du lịch non trẻ của xã đảo phát triển bền vững, chính quyền xã đảo luôn quan tâm phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền vận động bà con nâng cao dịch vụ du lịch, từ việc ứng xử văn minh trong giao tiếp, đến việc buôn bán hàng đảm bảo chất lượng, đúng giá niêm yết. Chính vì điều này mà lượng khách du lịch đến với Sơn Hải ổn định. Mặc dù những tháng đầu năm 2020 ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng trong ba tháng đầu năm 2020, Sơn Hải đón trên 6.600 lượt khách.
Theo sự hướng dẫn của địa phương, chúng tôi đến tham quan các nhà bè nuôi cá và có cuộc trò chuyện với hộ gia đình anh Phạm Văn Thắng là hộ đầu tiên áp dụng lưới nhuộm theo công nghệ mới. Loại lưới nhuộm này giúp tiết kiệm nhân công, sức người và chi phí vệ sinh cho lưới nuôi bè cá. Bình thường một bè cá sau khoảng 7 ngày sẽ được chà lưới, vệ sinh một lần nhưng khi dùng lưới nhuộm này có thể để được 3, 4 tháng hoặc lâu hơn tùy theo môi trường nước. Hơn nữa, công nghệ này còn giúp cho lưới sạch hơn vì tránh sự đóng bám của các vi sinh vật gây hại cho cá, nhưng lại an toàn cho môi trường. Giá thành ban đầu của việc sử dụng lưới nhuộm so với công và chi phí thuê người làm vệ sinh liên tục thì sử dụng lưới nhuộm có hiệu quả hơn rất nhiều. Dù là miền đất đảo, nhưng giáo dục luôn được chăm lo và có bước phát triển. Chúng tôi đã đến thăm Trường PTCS Sơn Hải, thật vui khi ngôi trường vừa được đầu tư xây dựng khá khang trang. Không dừng lại ở đó, hiện trường tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một số phòng để đáp ứng nhu cầu giảng dạy và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện tỷ lệ trẻ mầm non của Sơn Hải đạt chuyên cần gần 99%; Tỷ lệ học sinh lên lớp tiểu học và trung học cơ sở đạt hơn 99%.
Có được những đổi thay, những kết quả tích cực đó là nhờ sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở, mặt trận các đoàn thể và sự chung tay hưởng ứng, sự đồng thuận từ người dân. Trong đó thành tựu lớn, nổi bật chính là việc xã đảo thực hiện hoàn thành tất cả các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Bởi vì mục tiêu xây dựng nông thôn mới là phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh... Theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường; giúp nâng cao thu nhập và đời sống của người dân khi người dân chính là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới… Tiếp theo đà phát triển, thời gian tới Sơn Hải sẽ đưa vào ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản; mở rộng việc liên kết với các cơ quan, doanh nghiệp đưa nguồn giống tốt, thức ăn công nghiệp chất lượng vào nuôi trồng. Sơn Hải sẽ thực hiện quy hoạch các vùng nuôi tập trung, rà soát, đánh giá hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác để sắp xếp, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm dần việc nuôi trồng nhỏ lẻ, phân tán. Xã đảo tiếp tục vận động người dân tham gia bám biển, theo đó cũng cố, duy trì thực hiện công tác nuôi trồng và khai thác.
Sơn Hải hôm nay đã thay áo mới, với những nét tích cực về chất và lượng. Trong tương lai chiếc áo ấy sẽ tiếp tục được điểm tô thêm những sắc màu tươi mới, từ chính bàn tay và khối óc của những con người vẫn ngày đêm miệt mài bám biển đảo làm giàu, và xây dựng quê hương./.
                                                                                                Thy Trang - Huỳnh An
Chia sẽ:

Tìm kiếm trang này

Bài mới đăng



Copyright 2017 © Truyền thanh Kiên Lương
Khu phố Ba Hòn | Kiên Lương | Kiên Giang