Hơn 10 năm nay, nhờ thực hiện thành công mô hình nuôi dơi lấy phân, anh Lộc Hữu Nghĩa, ngụ ấp kênh 9, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương có thu nhập gần 150 triệu đồng/năm. Đây được xem là mô hình làm kinh tế khá mới tại huyện.
Khu vực bố trí chuồng nuôi dơi của gia đình anh Lộc Hữu Nghĩa
Anh Nghĩa cho biết, anh bắt đầu thực hiện mô hình nuôi dơi từ hơn 10 năm trước khi có dịp về quê nhà tại tỉnh Sóc Trăng, nhận thấy nơi đây có nhiều hộ gia đình thực hiện mô hình này hiệu quả nên anh triển khai thực hiện thử tại gia đình.
Khi mới thực hiện mô hình này, anh Nghĩa chỉ đầu tư vài 2 chuồng nuôi xem có hiệu quả hay không. Chuồng nuôi dơi được thực hiện theo quy cách 4 nhân 5 mét. Chiều cao khoảng 4-6m, mái lợp tôn, dưới mái treo khoảng 300 đến 400 chiếc lá thốt nốt được kết lại thành từng mảng để làm nơi cho dơi trú ẩn. Chi phí làm một chuồng dơi khoảng 12 triệu đồng và có thể sử dụng được nhiều năm.
Anh Nghĩa lựa chọn kỹ lá thốt nốt khi thay những lá bị mục, gãy trong chuồng nuôi
Cũng theo anh Nghĩa, dơi được nuôi ở đây là loài dơi muỗi, loài sinh vật sống trong thiên nhiên, trọng lượng mỗi con khoảng vài chục gram. Như tên gọi của nó, loại dơi này chỉ ăn muỗi, bướm, rầy và không phá hại cây trái của nhà nông. Dơi hoạt động vào ban đêm, sáng tìm nơi yên tĩnh để ngủ, trong thời gian này, dơi bài tiết thức ăn của ngày hôm trước thành phân, dơi thường đi ăn vào khoảng 18h – 18h30 thì về nơi trú ẩn để ngủ, biết được những đặc tính nêu trên, người ta làm chuồng để nuôi dơi lấy phân.
Mỗi ngày anh Nghĩa thu hoạch từ 5 đến 6 kg phân dơi/chuồng
Sau thời gian triển khai thử mô hình, thấy dơi về trú ngụ ngày càng nhiều nên gia đình anh Nghĩa đề nghị hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiên Lương với số tiền 50 triệu đồng để tiếp tục mạnh dạn đầu tư thêm chuồng. Đến nay, gia đình anh Nghĩa có 21 chuồng nuôi dơi.
Anh Nghĩa cho biết, để dơi ở lại lâu và dẫn dụ thêm nhiều dơi mới về ở, khi làm chuồng nuôi cần hiểu rõ tập tính sinh sống của dơi để làm chuồng. Cụ thể, khi làm chuồng phải chọn địa điểm sao cho đảm bảo yên tĩnh, kín đáo, đặc biệt cây cối thấp, ít tiếng ồn… chuồng phải đặt ở cặp bờ kênh, mương để dơi uống nước. Chuồng phải cao ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông và luôn sạch sẽ, để nhiệt độ trong chuồng ổn định.
“Ngoài ra, do dơi thải phân có thể làm dơ lá thốt nốt, cứ khoảng 1 tuần là phải đem những chùm lá cũ xuống để vệ sinh, phơi khô và thay lại lá mới. Thay lá vào lúc dơi ra khỏi chuồng đi ăn vì nếu gặp người lạ thì dơi sẽ bỏ chuồng đi”, anh Nghĩa cho biết thêm.
Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi dơi, người nuôi cần phải chăm sóc thường xuyên chuồng dơi, vào mùa mưa phải che kín bằng lá chầm bốn bên vách chuồng vừa làm ấm dơi vừa tránh được mưa tạt vào làm ướt dơi, ướt lá trong chuồng. Vào mùa nắng nóng cần phải bỏ bớt lá thốt nốt trong chuồng ra để dơi được thoáng mát. Loại lá thốt nốt được chọn làm chuồng phải được chọn kỹ càng, phải là những lá còn nguyên vẹn, không bị gãy ở phần đuôi, tương tự khi thay trong chuồng, những lá bị mục, gãy cũng phải thay bỏ vì để như vậy khi dơi bay vào chuồng sẽ bị va chạm dẫn đến dơi bệnh thương, bị chết.
Nuôi dơi rất sợ rắn lục, rệp, vì đây là 2 loài thiên địch có thể gây hại cho dơi và làm dơi bỏ chuồng đi, không về trú ngụ. Vì vậy, dưới các chân chuồng anh Nghĩa dùng ống nhựa PVC sau đó đổ bê tông vào trong để rắn không bò được lên chuồng gây hại cho dơi.
Để thu hoạch phân dơi, dưới chuồng anh Nghĩa trải lưới để thu hoạch hàng ngày vì để qua đêm nếu bị trời mưa phân sẽ chảy ra, không bán được. Một trong những thuận lợi từ đầu ra của phân dơi đó là phân dơi rất tốt để bón cho hoa, cây cảnh, cây ăn trái… nên số phân dơi của gia đình thu được đều được các thương lái từ tỉnh An Giang, Đồng Tháp đến tận nơi để thu mua.
Theo anh nghĩa nhẩm tính, trung bình mỗi ngày 1 chuồng dơi sẽ thu về khoảng từ 5 đến 6 kg phân dơi. Với giá hiện tại anh bán cho thương lái An Giang từ 60 đến 65 ngàn đồng/kg, mỗi tháng gia đình anh thu nhập vài chục triệu đồng. Trung bình mỗi năm sau khi trừ chi phí đầu tư làm, sửa chữa chuồng nuôi, gia đình anh Nghĩa thu nhập gần 150 triệu đồng.
Từ hiệu quả của mô hình nuôi dơi lấy phân của gia đình anh Lộc Hữu Nghĩa cho thấy, đây là một mô hình nuôi khá đơn giản, không đòi hỏi nhiều công sức chăm sóc mà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời còn giúp diệt trừ côn trùng, bảo vệ mùa màng, rất cần được nhân rộng tại địa phương trong thời gian tới./.
Văn Phụng