Xã đảo Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương được biết đến nay nơi có phong cảnh hữu tình đặc trưng miền biển, đảo. Nơi đây còn có những địa điểm du lịch tâm linh mang đậm dấu ấn địa phương được nhiều người biết đến, trong đó có Miếu bà Chúa Xứ.
Miếu bà Chúa Xứ t ọa lạc tại ấp Bãi Chướng, xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, cách trung tâm hành chính xã khoảng 1km về hướng Tây Nam, hiện miếu có tổng diện tích xây dựng 500 mét vuông. Được chia thành nhiều khu vực khác nhau, trong đó có khu vực thờ cúng, khu vực sân lễ, khu vực bố trí cho du khách nghĩ ngơi khi đến chiêm bái, cúng dường…
Miếu bà Chúa Xứ, xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương có vị trí ngay eo biển, lưng tựa vách núi, mặt hướng ra biển. Phía trước ngôi miếu là bãi cát trắng, nước biển trong xanh.
Điểm ấn tượng đối với du khách khi đến Miếu bà Chúa Xứ Hòn Nghệ đó là ngôi miếu nằm tọa lạc ngay eo biển, lưng tựa vách núi, mặt hướng ra biển. Phía trước ngôi miếu là bãi cát trắng, nước biển trong xanh.
Theo ông Nguyễn Văn Xinh, sinh năm 1965, hiện là Trưởng ban Hội miếu bà Chúa Xứ, xã Hòn Nghệ cho biết, miếu được thành lập và xây dựng thời gian nào người dân ở đây không nắm rõ, nhưng theo ông, ngôi miếu này cũng có niên tuổi trên 100 năm. Trước đây, ngôi miếu này nhỏ, là nơi bà con nhân dân xã đảo thường đến thắp hương, chiêm bái cầu mong gia đình hạnh phúc, bình an, làm ăn phát đạt. Đến nay, do nhu cầu thờ cúng và với giá trị tâm linh, ngôi miếu được người dân, du khách đóng góp xây dựng ngày càng khang trang, rộng lớn.
Ông Nguyễn Văn Xinh, Trưởng ban Hội miếu bà Chúa Xứ, xã Hòn Nghệ cho biết vào ngày 20/2 âm lịch hàng năm, người dân địa phương tổ chức lễ cúng cầu an tại miếu bà để cầu mong cho người dân địa phương sức khỏe, bình an, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống
Điểm đặc biệt của ngôi Miếu bà Chúa Xứ tại xã đảo Hòn Nghệ đó là hiện nay miếu thờ song song 2 tượng bà. Vì theo ông Nguyễn Văn Xinh, vào khoảng năm 2008 khi tiến hành phá đá núi làm đường trên xã đảo, vô hình đá văng làm sập miếu và tượng bà trước đây bị vỡ. Thấy vậy, người dân địa phương tiến hành tu sửa và “thỉnh” 1 tượng bà mới về để thờ cúng. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng thấy tượng “Bà’ cũ về “báo mộng” nên bà con tiếp thu rước tượng bà cũ về thờ cúng song song với nhau cho đến nay.
Vào ngày 20/2 âm lịch hàng năm, người dân địa phương tổ chức lễ cúng cầu an tại miếu bà để cầu mong cho người dân địa phương sức khỏe, bình an, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Đây là ngày lễ cúng chính của miếu bà hàng năm. Trước đây vào dịp cúng miếu bà, do điều kiện của người dân trên đảo còn khó khăn nên mỗi nhà chỉ chuẩn bị một mâm xôi, hoặc một con gà để dâng lên cúng bà. Thời gian sau, điều kiện kinh tế của đa số người dân khá lên nên họ chuẩn bị lễ vật có giá trị hơn như heo quay, vịt quay… Trong dịp cúng lễ, người dân trên xã đảo Hòn Nghệ và nhiều người dân từ đất liền cũng đem theo nhiều sản vật, hàng hóa ra đảo phục vụ dịp lễ nên không khí thêm nhộn nhịp và vui tươi. Vào dịp này, không chỉ có người dân địa phương đến dự, mà còn có nhiều khu khách từ các tỉnh thành khác ra đảo dự lễ, cầu an cho gia đình, thậm chí nhiều bà con từ Thành phố Hồ Chí Minh cũng xuống tham gia cúng dường, có năm số lượng người tham gia cúng viếng, tham qua lên đến hơn 1 ngàn lượt người.
Ông Trần Phong Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, cho biết, trong thời gian qua, nhiều du khách biết đến xã đảo Hòn Nghệ là địa phương có nhiều tiềm năng về du lịch biển, đảo với những cảnh đẹp hoang sơ, trong lành. Đặc biệt, trên địa bàn xã còn có những điểm du lịch có giá trị tâm linh thu hút nhiều người dân, khách du lịch thập phương đến tham quan, chiêm bái, trong đó Miếu bà Chúa Xứ là một trong những nơi thu hút rất đông du khách đến cúng đường hàng năm, nhất là vào ngày cúng cầu an 20/2 hàng năm.
“Với những giá trị về mặt tâm linh mang lại, trong thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục nghiên cứu nâng tầm lễ cúng cầu an tại miếu bà để giới thiệu đến du khách thập phương đến tham quan, du lịch, tìm hiểu về truyền thống thờ cúng bà của người dân xã đảo. Riêng lễ cúng cầu an vào ngày 20/2 năm 2024 này, xã đã có kế hoạch đề xuất một số ngành liên quan của huyện hỗ trợ tổ chức một số hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ bà con nhân dân đến cúng bái, qua đó cũng nhằm thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu về những giá trị truyền thống của ngôi miếu này”, ông Trần Phong Kiên cho biết thêm./.
Văn Phụng