Mô hình “Tương thân, tương ái” Trường Tiểu học Hòa Điền (Kiên Lương) nâng cao đời sống giáo viên

Nhờ triển khai thực hiện và quản lý hiệu quả mô hình “Tương thân, tương ái” trong nhà trường, từ nhiều năm nay, nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Tiểu học Hòa Điền (Kiên Lương) đã mua sắm được vật dụng gia đình, thiết bị phục vụ giảng dạy, góp phần nâng cao đời sống cũng như đáp ứng hiệu quả nhu cầu giảng dạy, học tập.
Thầy Trần Quốc Khải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Điền (Kiên Lương), cho biết, mô hình tương thân, tương ái trong nhà trường được triển khai thực hiện tương tự như mô hình xoay vòng vốn không tính lãi hàng tháng. Để thực hiện mô hình này, Chi bộ, Ban Giám hiệu nhà trường quán triển khai, quán triệt rõ về nội dung, mục đích, ý nghĩa của mô hình đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường để lấy ý kiến thống nhất thực hiện. “Sau khi được sự thống nhất của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường, Chi bộ giao cho Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường tổ chức triển khai thực hiện. Đến nay, mô hình được thực hiện gần ba năm”, thầy Trần Quốc Khải, nói thêm.
Từ nguồn vốn nhận được khi tham gia mô hình “Tương thân, tương ái” của nhà trường, cô Nguyễn Phương Nam, Trường Tiểu học Hòa Điền (Kiên Lương) đã mua thêm được tivi phục vụ nhu cầu giải trí của gia đình
Thầy Võ Hoàng Linh, Ban Chấp hành Công đoàn Trường Tiểu học Hòa Điền (Kiên Lương), cho biết, mô hình được thực hiện theo cách mỗi tháng 1 thành viên tham gia sẽ góp số tiền đã thống nhất và tùy theo số lượng thành viên tham gia số tiền sẽ được bàn giao lại cho người nhận theo thứ tự đã được bốc thăm từ trước.
“Trước đây, khi mới triển khai thực hiện mô hình, hàng tháng mỗi giáo viên góp vốn 300 ngàn đồng. Đến nay, sau khi triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao, trong 2 năm học gần đây, các thành viên thống nhất nâng lên số vốn góp mỗi tháng là 500 ngàn đồng. Và hiện với 45 lượt thành viên tham gia, mỗi tháng 1 thành viên nhận nguồn vốn góp sẽ nhận được số tiền tương đương 22 triệu 500 ngàn đồng”, thầy Võ Hoàng Linh cho biết thêm.
Từ nguồn vốn xoay vòng mà nhiều giáo viên, nhân viên trong nhà trường đã có thêm điều kiện mua sắm thêm trang thiết bị, vật dụng trong gia đình như: Tivi, tủ lạnh, máy giặt... một số giáo viên thì đầu tư mua sắm thêm máy móc, thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy hay tích cóp sửa chữa nhà ở...
Cô Nguyễn Phương Nam một trong những thành viên tham gia mô hình cho biết, đối với giáo viên, nhân viên nhà trường, trong khi tiền lương còn thấp thì nguồn góp vốn xoay vòng đã tạo điều kiện cho gia đình có thể mua sắm được những vật dụng trong nhà. Đặc biệt là những vật dụng có số tiền vượt xa so với tiền lương hàng tháng của giáo viên. “Từ khi tham gia mô hình đến nay, tôi đã nhận được nguồn vốn 2 lần, từ số tiền nhận được tôi đầu tư mua thêm tivi và tủ lạnh trong nhà để sử dụng. Từ nguồn vốn góp giúp tôi có thêm điều kiện trang trải, mua thêm vật dụng trong gia đình mình. Tôi thấy đây là mô hình rất hiệu quả đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên chúng tôi”, cô Nguyễn Phương Nam nói thêm.
Còn đối với thầy Bùi Thanh Kiên sử dụng nguồn vốn để mua sắm máy tính xách tay để phục vụ cho giảng dạy. Thầy Kiên, chia sẽ, trong thời đại 4.0 như hiện nay, giáo viên đều phải áp dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho việc giảng dạy. Để đầu tư một số tiền khá lớn để mua máy tính xách tay như hiện nay so với đồng lương giáo viên còn gặp khá khó khăn, nhưng nhờ nguồn vốn xoay vòng đã tạo điều kiện cho tôi có thể mua máy tính để phục vụ công việc của mình. “Mô hình xoay vòng vốn tại nhà trường thực sự đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với đội ngũ giáo viên chúng tôi hiện nay”, thầy Bùi Thanh Kiên nói.
Thầy Trần Quốc Khải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Điền (Kiên Lương), cho biết, qua thực hiện mô hình trong nhà trường, đến nay đã có hơn 30 lượt cán bộ, giáo viên mua sắm được vật dụng trong gia đình hay máy tính để phục vụ cho giảng dạy, học tập. Ngoài việc tạo điều kiện cho giáo viên có nguồn kinh phí phục vụ nhu cầu của gia đình, nguồn vốn xoay vòng còn góp phần rất lớn trong việc hạn chế tình trạng cán bộ, giáo viên vay mượn bên ngoài, nhất là đối với các hình thức tín dụng đen.
“Từ hiệu quả mô hình, trong thời gian tới ngoài việc tiếp tục duy trì thực hiện mô hình, tùy theo nhu cầu của các thành viên mô hình sẽ nâng dần nguồn vốn đóng góp hàng tháng nhằm tạo được nguồn vốn cao hơn, giúp giáo viên đầu tư, mua sắm thiết bị gia đình có giá trị lớn hơn hay đầu tư sửa chữa, cất nhà ở...”, thầy Trần Quốc Khải thông tin thêm./.
Văn Phụng
Chia sẽ:

Tìm kiếm trang này

Bài mới đăng



Copyright 2017 © Truyền thanh Kiên Lương
Khu phố Ba Hòn | Kiên Lương | Kiên Giang