Sau hơn hai tuần thí điểm mô hình chợ 4.0 – thanh toán không dùng tiền mặt tại Chợ Tròn của thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương. Bước đầu đã mang lại hiệu ứng tích cực khi nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của bà con tiểu thương và người dân.
Theo Ban quản lý Chợ Tròn, thị trấn Kiên Lương cho biết, chợ có 293 tiểu thương buôn bán thường xuyên, lượng khách hàng hằng ngày có từ 300 đến 500 người đến mua sắm tại chợ. Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện, mô hình được triển khai từ ngày 11/8/2023, nhận thấy sự tiện ích thanh toán bằng cách quét mã QR mang lại, đã có nhiều tiểu thương của chợ đã áp dụng hình thức thanh toán bằng cách quét mã QR chuyển khoản, thanh toán mà không sử dụng tiền mặt trong quá trình giao dịch.
Hiện nhiều người dân tại Kiên Lương chọn phương thức thanh toán tiền mua hàng tại Chợ Tròn Kiên Lương bằng cách quét mã QR do nhận thấy có nhiều tiện lợi mang lại. Ảnh, chị Phạm Thị Châu, ở xã Hòa Điền (Kiên Lương) quát mã QR để trả tiền mua hàng
Chị Nguyễn Thị Ngân, tiểu thương Chợ Tròn, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, cho biết, có mã QR này rất tiện, người mua không cần mang tiền mặt, khi mua hàng xong chỉ cần quét mã trả tiền cho mình là xong. Tiện lợi nhất là không sợ tiền giả, hoặc trả nhầm tiền 17 giây).
Còn Chị Lê Thị Mỹ Dung, tiểu thương Chợ Tròn, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, chia sẽ, tiện lợi cho khác mua hàng và tiểu thương khi mua bán và trả tiền qua mã QR đó là khi chuyển khoản mình khỏi phải đọc số tài khoản, chuyển nhanh lẹ, lúc trước nhiều khi tiền thồi lại không khớp, không đủ thì cái này sẽ tiện hơn.
Bên cạnh tiểu thương của chợ, bà con trên địa bàn thị trấn Kiên Lương cũng tích cực ủng hộ mô hình thanh toán không sử dụng tiền mặt này khi mua bán bởi sự tiện lợi của mô hình mang lại. Nếu trước đây, người dân phải mang tiền mặt khi đi chợ, thì hiện nay một số bà con đã thay đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt truyền thống.
Chị Phạm Thị Châu, ở xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, chia sẽ: “Mua hàng xong trả tiền bằng cách quét QR chuyển khoản nhanh gọn lẹ, tiện nhất là mình không cần đem tiền mặt nhiều, nên không sợ bị mất hay trộm cắp nữa”.
“Tôi thấy trong thời đại 4.0 như hiện nay thì quét mã QR để thanh toán rất tiện, như mình khỏi đem tiền mặt khi đi chợ tránh tình trạng rơi rớt. Thứ hai, khi thanh toán với số tiền lớn tránh tình trạng thanh toán nhầm. Thứ ba, là tiết kiệm được thời gian không cần ra rút tiền mặt ở cây ATM”, chị Lê Thị Thủy, khu phố Cư Xá, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương nói thêm.
Để sử dụng phương thức thanh toán này, tiểu thương và người dân cần có điện thoại thông minh, tài khoản ngân hàng. Để giúp tiểu thương và người dân thuận tiện trong việc đăng kí tài khoản ngân hàng cũng như sử dụng phương thức thanh toán quét mã QR khi giao dịch. Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương đã phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn huyện, Viễn thông huyện Kiên Lương để hướng dẫn người dân đăng kí tài khoản cũng như hướng dẫn sử dụng.
Ông Vũ Khánh Giang, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh huyện Kiên Lương cho biết: “Để thực hiện mô hình chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt, người dân hay bà con tiểu thương chỉ cần mang căn cước công dân đến ngân hàng sẽ hỗ trợ mở tài khoản trong vòng 10 đến 15 phút là xong tài khoản, kể cả hướng dẫn cài app của ngân hàng. Đối với mã QR code thì khi mở xong tài khoản xong, ngân hàng sẽ in mà QR code luôn”.
Theo ông Nguyễn Hữu Thành, Trưởng phòng Kinh tế huyện Kiên Lương, trong quá trình triển khai mô hình chợ 4.0 còn gặp một số khó khăn. Do đó, sau khi triển khai thí điểm sẽ rút kinh nghiệm trước khi triển khai rộng rãi trong thời gian tới. Trong đó, khó khăn chung thì người dân quen với nếp sống, để thay đổi tập quán rất khó khăn. Phần lớn nội trợ đi chợ cũng ít dùng điện thoại thông minh nên tỉ lệ người dân thanh toán bằng mã chưa nhiều…
“Trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân dần thay đổi thói quen, tiến tới thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Sau khi triển khai tại Chợ Tròn, thị trấn Kiên Lương, huyện sẽ tiếp tục triển khai mô hình chợ 4.0 tại Trung tâm thương mại Ba Hòn và chợ Bình An trong thời gian tới để người dân trên địa bàn huyện tiếp cận với mô hình này ngày càng nhiều hơn. Đây là một trong những nội dung trong hoạt động hưởng ứng chuyển đổi số trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 – 2025”, ông Nguyễn Hữu Thành nói./.
MoSo Kiên Cường