Bà con đồng bào Khmer thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiên Lương

Thời gian qua nhờ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiên Lương đã giúp cho nhiều trường hợp hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua đó góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đến nay còn dưới 2%. Tại huyện Kiên Lương, đồng bào dân tộc Khmer chiếm hơn 13% dân số, phần lớn bà con sinh sống bằng nghề trồng lúa và chăn nuôi trâu, bò. Mặc dù bà con đồng bào dân tộc Khmer siêng năng, cần cù trong lao động nhưng bà con lại thiếu nguồn vốn để sản xuất, khiến cho nhiều hộ gia đình nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo không phát triển được các mô hình kinh tế hiệu quả. Do vậy liên tục những năm gần đây, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiên Lương đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn ưu đãi, nhằm tạo điều kiện cho các hộ gia đình đồng bào Khmer phấn đấu, vươn lên thoát nghèo. Trong năm 2019 đã có gần 350 hộ và 9 tháng đầu năm 2020 có thêm gần 300 hộ đồng bào dân tộc Khmer được tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Bà Bùi Thị Mai Hồng – Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiên Lương nói: Đặc biệt trong năm 2019, ngân hàng đã giải ngân cho các hộ là đồng bào dân tộc Khmer vay vốn phát triển kinh tế gia đình với số tiền gần 9 tỷ đồng còn trong 9 tháng đầu năm 2020 số tiền giải ngân gần 8 tỷ đồng, nguồn vốn sau khi ngân hàng giải ngân cho các hộ vay thì ngân hàng phối hợp với các tổ trưởng và hội đoàn thể nhận ủy thác cùng với chính quyền địa phương kiểm tra các hộ vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích hay không”.
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiên Lương đến thăm gia đình bà Châu Thị Có, khu phố Lung Kha Na, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương
Năm 2018, gia đình anh Chao Lầy thuộc diện hộ Khmer mới thoát nghèo nên rất thiếu nguồn vốn để sản xuất. Nhờ được Ngân hàng Chính sách và xã hội huyện Kiên Lương cho gia đình anh vay 40 triệu với mức lãi suất thấp, trong thời hạn 5 năm nên anh Chao Lầy đã phát triển được mô hình nuôi bò sinh sản. Từ 2 con bò giống ban đầu, đến nay chỉ sau 2 năm, anh Chao Lầy đã bán được 4 con bò nghé, đồng thời phát triển đàn bò của gia đình lên thành 5 con. Kinh tế gia đình nhờ vậy cũng ngày càng ổn định, khấm khá hơn trước. Anh Chao Lây, khu phố Lung Kha Na, thị trấn Kiên Lương, chia sẽ thêm: “Mấy năm trước mặc dù được thoát nghèo nhưng mà kinh tế gia đình cũng còn nhiều khó khăn. Do vậy tôi đâu có đủ tiền để mà mua bò nuôi. Cũng nhờ có nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách cho vay 40 triệu đồng mà gia đình tôi mới gầy dựng được đàn bò này. Nếu không được vay vốn thì bây giờ chắc gia đình tôi cũng còn khó khăn lắm chứ không thể được như bây giờ đâu. Vì vậy tôi cũng rất cám ơn Ngân hàng Chính sách”.
Không chỉ riêng đối với gia đình anh Chao Lầy mà phần lớn bà con đồng bào dân tộc Khmer nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo tại địa phương đều được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiên Lương hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi. Chỉ tính riêng tại khu phố Lung Kha Na, thị trấn Kiên Lương đã có gần 60 hộ trong tổng số 111 hộ dân Khmer được tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp này. Từ đó đã giúp cho nhiều hộ phát triển được các mô hình kinh tế gia đình hiệu quả, không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn ngày càng khấm khá hơn. Bà Châu Thị Có, khu phố Lung Kha Na, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, nói: “Hồi năm 2016 gia đình tôi còn là hộ cận nghèo, khi đó tôi được Ngân hàng Chính sách và xã hội cho vay ưu đãi 20 triệu đồng để mua 2 con bò về nuôi. Đến nay tôi đã bán được 2 con bò nghé, và còn giữ lại đàn bò được 4 con nữa. Sau khi trả xong nguồn vốn ban đầu, đến đầu năm nay tôi tiếp tục được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn thêm 40 triệu nữa. Tôi sẽ tiếp tục mua bò về nuôi để cho kinh tế gia đình ngày càng phát triển hơn”.
Thông qua nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiên Lương không chỉ giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo đồng bào dân tộc Khmer có vốn làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Qua đó còn góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh trong đồng bào dân tộc Khmer tại địa phương. Đây cũng là tiền đề để củng cố, nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, hướng tới phát triển huyện Kiên Lương trở thành Thị xã trong thời gian tới./.
                                                                         Trường Giang - Huỳnh An
Chia sẽ:

Tìm kiếm trang này

Bài mới đăng



Copyright 2017 © Truyền thanh Kiên Lương
Khu phố Ba Hòn | Kiên Lương | Kiên Giang