Tận dụng nguồn nguyên liệu là trái nho rừng sẳn có tại địa phương, thời gian qua, một số hộ gia đình trên địa bàn xã Bình An, huyện Kiên Lương sử dụng để ngâm, ủ thành rượu, uống. Qua sử dụng nhận thấy tác dụng và hiệu quả tích cực của trái nho rừng, chị Trần Kim Liên đã chủ động đầu tư sản xuất và xây dựng thương hiệu rượu nho rừng Kim Liên.
Từ một người có kinh nghiệm nấu rượu lâu năm, sau chuyến đi du lịch tại Úc, trở về quê nhà, chị Liên quyết định sử dụng trái nho rừng để sản xuất rượu nho với số lượng lớn và tạo dựng thương hiệu riêng cho mình. Đặc sản rượu nho rừng Kim Liên dù chỉ mới được quảng bá tại hoạt động chương trình khởi sự, khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức cách nay chưa đầy 1 năm nhưng sản phẩm đã và đang được nhiều người tin dùng, sử dụng. Theo chị Trần Kim Liên, chủ cơ sở sản xuất rượu nho rừng Kim Liên “sơ chế, ngâm ủ rượu nho rừng không khó, quan trọng là chất lượng trái và độ chín vừa mộng, đảm bảo không quá xanh và dập nát. Để tạo ra 1,5 lít rượu nho rừng thành phẩm cần có liều lượng hợp lý, thông thường 1 kg nho rừng cần đến 250g đường phèn và hơn 1 lít rượu ngon để ngâm ủ”.
Chị Trần Kim Liên, chủ cơ sở sản xuất rượu nho rừng Kim Liên chọn trái nho rừng chín để ngâm ủ rượu và chất lượng sản phẩm rượu nho rừng
Trái nho rừng có lợi cho sức khỏe, giúp an thần, dễ ngũ, cùng với đó là công dụng chống lão hóa, hỗ trợ điều trị các bệnh về mắt, ung thư, bệnh tim phổi và sơ cứng động mạch do có chứa thành phần Anthocyanin cao và nhiều chất dinh dưỡng khác nên dần dần rượu nho rừng được người dân tinh dùng và sử dụng phổ biến. Địa bàn hiện có chục hộ dân thực hiện mô hình. Tuy nhiên đây là mô hình tự phát nên người làm nghề còn gặp không ít khó khăn về mặt thủ tục pháp lý, nguồn nguyên liệu cũng như quy trình sản xuất và cách thức đóng chai sản phẩm. “Để thuận lợi cho hội viên, phụ nữ phát triển nghề, Hội LHPN huyện cũng hướng dẫn, tạo điều kiện để hội viên, phụ nữ tiếp cận, quảng bá và giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng gần xa”, bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kiên Lương cho biết thêm.
Ngày nay, nhu cầu tiêu dùng rượu nho rừng tăng lên dẫn đến nguồn khai thác nho rừng cũng gia tăng. Trong khí đó, loại cây sẳn có trong tự nhiên này chỉ cho trái theo mùa và chưa được trồng phổ biến nên nguồn nho rừng tại các đồi núi thuộc xã Bình An, Bình Trị và Dương Hòa không đủ để cung ứng cho người chế biến. “Vì vậy, để xây dựng và phát triển thương hiệu rượu nho rừng Bình An, UBND xã lên kế hoạch phối hợp cùng Hội LHPN huyện xây dựng vùng trồng nguyên liệu, với diện tích 10 ha dọc theo chân núi Bình An nhằm ổn định nguồn nguyên liệu và tập hợp hộ gia đình có nhu cầu phát triển nghề sản xuất rượu nho rừng vào tổ liên kết sản xuất”, ông Trịnh Văn Mịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình An thông tin thêm.
Phát triển nghề sản xuất rượu nho rừng cũng nhằm xây dựng thương hiệu đặc sản vùng miền của người dân xã Bình An nói riêng, huyện Kiên Lương nói chung. Từ việc tạo ra sản phẩm đặc trưng rượu nho rừng Bình An sẽ góp phần đáng kể và tạo ra thu nhập cho người lao động, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Vì vậy, chủ trương của địa phương được người dân đồng tình hưởng ứng cao. Tuy nhiên, để thực hiện mô hình với quy mô lớn cần có những định hướng bền vững về lâu dài./.
Diệu Hiền - Huỳnh An