Thực hiện chủ trương của huyện về việc chuyển đổi mô hình sản xuất lúa 2 vụ kém hiệu quả sang mô hình sản xuất khác phù hợp với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Năm 2015 xã đã vận động người dân ở 3 ấp Song Chinh, Núi Mây, Rạch Đùng chuyển đổi khoảng 800ha sang mô hình canh tác, một vụ lúa một vụ tôm. Nhờ có sự đầu tư cơ bản về thủy lợi, người dân được hướng dẫn về lịch thời vụ, kỹ thuật canh tác, bước đầu mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Xã Bình Trị, huyện Kiên Lương là vùng tiếp giáp giữa khu vực mặn ngọt, sản xuất lúa 2 vụ thường kém hiệu quả do bị ảnh hưởng nước mặn xâm nhập vào cuối vụ Đông Xuân hàng năm. Qua điều tra sơ bộ trong dân cho thấy mô hình lúa tôm đem về thu nhập trên 80 triệu đồng 1ha/năm, trong đó thu nhập ổn định từ lúa trên 35 triệu, từ tôm cua kết hợp giao động từ 45 đến 65 triệu đồng.
Trà Lúa của gia đình anh Hồ Minh Bảo, ở tổ 6, ấp Song Chinh, xã Bình Trị (Kiên Lương) đang giai đoạn chuẩn bị trổ
Ông Hồ Minh Bảo ở tổ 6 ấp Song Chinh, xã Bình Trị có 2ha đất, trước đây sản xuất lúa 2 vụ kém hiệu quả, anh chuyển sang nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến sau nhiều năm cũng không hiệu quả, do tôm bị dịch bệnh liên tục, cuộc sống gặp nhiều khó khăn phải đi làm thuê kiếm sống. Từ ngày áp dụng mô hình một vụ lúa một vụ tôm năm nào anh cũng trúng mùa lúa, tận dụng gốc rạ anh thả nuôi tôm cua, tôm cua lớn nhanh, ít dịch bệnh xảy ra, nhờ vậy mà cuộc sông của anh ngày một khấm khá hơn so với trước đây. Anh Bảo cho biết: “Làm lúa trên đất nuôi tôm đầu tư chi phí cũng không cao lắm, giao động khoản 10 triệu đồng 1ha, nhưng năng suất lại cao hơn so với làm 2 vụ lúa, bình quân trên 7,5 tấn lúa tươi/ha một vụ, lúa rất ít bị sâu bệnh phá hại và đặt biệt là không có phun thuốc trừ sâu”.
Theo kỹ sư Trần Thanh Phong, Phó Trưởng trạm Khuyến Nông huyện Kiên Lương để sản xuất lúa trên đất nuôi tôm thành công thì nông dân cần lưu ý một số vấn đề đó là: Về lịch thời vụ nên tranh thủ nước mưa cộng với nước lũ đầu vụ để rữa mặn cải tạo đất sớm. Vì qua thực tế sản xuất ở huyện Kiên Lương thì lịch thời vụ cho lúa tôm nên bắt đầu xuống giống từ đầu tháng đến cuối tháng 9 để thu hoạch dứt điểm trong tháng 12 dương lịch là phù hợp nhất, và bà con nên gieo sạ tập trung đồng loạt cho một khu vực sản xuất; sử dụng giống xác nhận để gieo sạ, và nên sạ thưa hợp lý khoản từ 80 đến 100kg giống cho 1ha, vì qua một vụ nuôi tôm đất thường có một lượng chất mùn hữu cơ cao lúa tốt hơn, nếu bà con sạ dày dễ phát sinh sâu bệnh và lúa bị đổ ngã khi chín. Lựa chọn các giống có thời gian sinh trưởng ngắn dưới 100 ngày chịu được phèn mặn tương đối khá như giống: ĐT8, OM 5451, OM 5954. Đồng thời, bón cân đối phân NPK, hạn chế bón phân đạm, thực hiện bón phân theo bảng so màu lá. Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu tránh lưu tồn ảnh hưởng cho vụ nuôi tôm sau này.
Những tín hiệu khả quang từ mô hình này là điều kiện rất tốt để những hộ sản xuất khác tại xã Bình Trị nói riêng và trên địa bàn huyện Kiên Lương chung áp dụng, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập của bà con nông dân trên cùng một đơn vị diện tích trước tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay./.
Văn Phụng
Văn Phụng