Bến thủy nội địa Tiến Triển- Kiên Lương được công nhận “Bến tàu văn hóa - an toàn”

Sáng 01/11, Ban Chỉ đạo cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” tỉnh phối hợp Ban An toàn giao thông (ATGT) huyện Kiên Lương tổ chức lễ công nhận Bến thủy nội địa Tiến Triển, thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương là mô hình “Bến tàu văn hóa - an toàn”.
Chính thức đưa vào hoạt động từ năm 2017, hiện nay Bến thủy nội địa Tiến triển đang cung cấp dịch vụ du lịch cho 6 chủ phương tiện là xã viên của Hợp tác xã Vận tải thủy bộ Kiên Tân, huyện Kiên Lương và một số phương tiện của công ty tư nhân. Với 10 chiếc tàu, thuyền hiện có, hàng năm các tàu thuyền của bến đưa đón khoảng 18 ngàn lượt du khách tham gia dịch vụ từ bờ ra các đảo thuộc quần đảo Bà Lụa huyện Kiên Lương.
Với tinh thần, trách nhiệm của mình, ban quản lý bến đã thực hiện và đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại của hành khách, đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng các tiêu chí của mô hình văn hóa giao thông đường thủy như: Đối với bến tàu, có đầy đủ giấy phép, có nhà chờ, đường lên xuống thuận tiện cho phương tiện và hành khách. Đối với người lái phương tiện, thủy thủ làm việc trên tàu, có bằng, chứng chỉ đúng quy định và được công nhận là “Bến tàu văn hóa - an toàn”.
Lễ công nhận Bến thủy nội địa Tiến triển đạt “Bến tàu văn hóa - an toàn”, sáng ngày 01/11/2019
Ông Hà Mỹ Khiêm, thành viên Ban Quản lý bến thủy nội địa Tiến Triển, cho biết: Sau khi được công nhận là “Bến tàu văn hóa - an toàn”, để tiếp tục thực hiện cuộc vận động “văn hóa giao thông với bình yên sống nước”, bến sẽ thường xuyên quản lý tốt điều kiện hoạt động và thực hiện tốt các quy định đối với hành khách đi tàu. Tôn tạo bền, nhà chờ để hành khách, phương tiện lên, xuống khách thuận tiện, an toàn. Thường xuyên nhắc nhở nhân viên quản lý bến, thuyền trưởng, thuyền viên và hướng dẫn viên phát huy ý thức tự giác chấp hành pháp luật, nêu cao tinh thần, trách nhiệm và thực hiện văn hóa ứng xử trong giam gia giao thông và phục vu du khách. Sau khi bến thủy nội địa Tiến Triển được công nhận là bến tàu “văn hóa - an toàn”, tính đến nay, toàn tỉnh đã có 18 mô hình được duy trì gồm: 8 bến đò, 2 bến phà, 2 tuyến sông, 2 đoàn tàu văn hóa - an toàn và 4 đơn vị ứng xử có văn hóa trong thực thi nhiệm vụ.
Thượng tá Võ Việt Hùng (bìa phải), Phó Trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh trao quyết định của Ban An toàn giao thông tỉnh công nhận mô hình “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước; giấy chứng nhận mô hình bến tàu Tiến Triển “Văn hóa giao thông đường thủy nội địa” cho Ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Cty TNHH MTV Tiến Triển
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Thống Nhất, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh đề nghị Ban ATGT huyện Kiên Lương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng nội dung, mục đích, ý nghĩa cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đến tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông thủy nội địa, tập trung vào các đối tượng trực tiếp tham gia giao thông như: Chủ bến, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện và những người sinh sống, hoạt động trên đường thủy, đặc biệt là các xóm ven sông, kênh, rạch. Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở, trao dồi phẩm chất đạo đức cho các cán bộ, công chức tham gia công tác quản lý các hoạt động giao thông đường thủy nội địa.
Tại buổi lễ, thượng tá Võ Việt Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh trao quyết định của Ban ATGT tỉnh công nhận mô hình “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước; giấy chứng nhận mô hình bến tàu “Văn hóa giao thông đường thủy nội địa” cho đại diện Ban Quản lý bến thủy nội địa Tiến Triển./.
                                                                                      Văn Phụng
Chia sẽ:

Tìm kiếm trang này

Bài mới đăng



Copyright 2017 © Truyền thanh Kiên Lương
Khu phố Ba Hòn | Kiên Lương | Kiên Giang