Nhờ vụ sản xuất thuận lợi cộng với giá cao, nhiều nông dân tại huyện Kiên Lương trúng đậm vụ trồng khoai môn năm 2024. Sau khi trừ chi phí, trung bình bà con lời từ 20 đến 25 triệu đồng/công tầm lớn.
Nông dân ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương bán khoai môn sau khi thu hoạch
Ông Bùi Văn Hạnh, ngụ ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình (Kiên Lương), cho biết, gia đình ông vừa thu hoạch xong 1 ha vụ khoai môn. Năm nay, nhờ thời tiết khá thuận lợi, ít dịch bệnh nên khoai môn phát triển khá. Sau gần 6 tháng gieo trồng, gia đình ông thu hoạch được gần 20 tấn khoai môn thương phẩm, trừ chi phí đầu tư gia đình ông thu lời trên 200 triệu đồng.
Cũng theo ông Hạnh, mô hình trồng khoai môn của gia đình ông và những hộ lân cận được thực hiện từ năm 2019. Đến nay nhờ nắm bắt được kỹ thuật gieo trồng nên việc sản xuất của bà con đều khá thuận lợi. Nếu như giá khoai môn ổn định từ 20 ngàn đồng/kg trở lên, nông dân thu nhập khá từ trồng khoai môn, gấp từ 2 đến 3 lần so với trồng lúa trước đây.
“Sau mùa vụ khá thành công, hiện gia đình tôi tiếp tục lựa chọn khoai để lại làm giống, chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo và cũng nhằm giảm bớt chi phí đầu tư tiền mua giống cho mùa vụ mới”, ông Hạnh nói.
Sau mùa vụ thành công, ông Bùi Văn Hạnh, lựa chọn, phơi giống môn chuẩn bị cho vụ sản xuất tiếp theo
Cũng như gia đình ông Hạnh, gia đình anh Bùi Đình Thông, ngụ cùng ấp cũng vừa thu hoạch xong gần hơn 2/4 ha khoai môn của gia đình hơn nữa tháng nay, số còn lại mấy ngày nữa gia đình sẽ tiếp tục thu hoạch. Anh Đông chia sẽ, 5 năm gần đây nhờ thực hiện thành công việc chuyển đổi trồng 2 vụ lúa/năm thành 1 vụ lúa, 1 vụ khoai môn đã mở ra hướng canh tác mới giúp cho bà con nông dân địa phương có thu nhập cao hơn.
“Riêng đối với 2 ha khoai môn của gia đình tôi vừa thu hoạch xong, giá bán vào thời điểm đó được 27 ngàn/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi thu lời từ 20 đến 25 triệu đồng/công tầm lớn. Đây là mức thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa nên bà con nông dân rất phấn khởi”, anh Bùi Đình Thông chia sẽ.
Ông Đỗ Trung Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiên Bình (Kiên Lương), cho biết, những năm gần đây, khi trồng lúa ngày càng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, xâm nhập mặn, giá cả bấp bênh... nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi từ trồng lúa 2 vụ sang trồng 1 vụ môn, 1 vụ lúa. Theo đó, sau khi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, vụ lúa chính trong năm, bà con nông dân bắt tay vào cải tạo đất để xuống giống vụ khoai môn.
Cũg theo ông Đỗ Trung Kiên, một trong những thuận lợi của các hộ dân trồng luân canh khoai môn - lúa tại địa phương đó là nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của ngành chức năng, cộng với việc mạnh dạn áp dụng mô hình mới của bà con nông dân địa phương mô hình trồng xen canh này từng bước hoàn thiện quy trình kỹ thuật, giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả hơn.
“Qua thời gian gieo trồng nhận thấy việc trồng luân canh khoai môn – lúa là rất phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và đem lại thu nhập cao nên đến nay toàn xã có trên 360 ha người dân trồng khoai môn. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại ấp Kiên Thanh có trên 230 ha. Nhờ nắm bắt được kỹ thuật trồng cộng với giá bán khá cao nên vụ khoai môn năm nay nhiều hộ thu nhập khá cao, trung bình từ 20 đến 25 triệu đồng/công tầm lớn”, ông Đỗ Trung Kiên cho biết.
Với những thành công của mô hình trồng khoai môn đem cho thấy đây là mô hình canh tác phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, ngoài giúp người nông dân có được thu nhập cao, đồng thời tìm được cây trùng phù hợp để sản xuất thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay./.
Văn Phụng