Ngân hàng Chính sách huyện Kiên Lương đưa chương trình tín dụng ra xã đảo

Nếu so với địa bàn trong đất liền thì việc đưa nguồn vốn chính sách đến với người dân ở xã đảo khó hơn rất nhiều, thế nhưng với quyết tâm nâng cao đời sống của bà con nhất là với những hộ đang cần tiền xây dựng mô hình kinh tế trên đảo, cán bộ tín dụng chính sách tại huyện Kiên Lương đã cùng các đoàn thể đưa nguồn vốn đến đúng địa chỉ, góp phần nâng cao đời sống người dân xã đảo.
Cán bộ, nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiên Lương cùng thiết bị, máy móc trong 1 chuyến giao dịch tại xã đảo Sơn Hải
Có dịp cùng cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội Kiên Lương chuẩn bị cho chuyến tổ chức giao dịch ở xã đảo Sơn Hải mới thấy những vất vả của công việc này. Để có thể giao dịch tại xã đảo, rất nhiều thiết bị, máy móc được các cán bộ tính dụng được đem theo như: Máy tính, máy đếm tiền, máy in hay các loại giấy tờ, thủ tục có liên quan, chưa kể đến việc đem tiền theo để giải ngân cho người dân…đều đảm bảo giờ giấc, tính an toàn và nhất là huy động người dân ở những đảo nhỏ về trung tâm để thuận tiện cho mọi hoạt động giao dịch. Dù khó khăn tốn kém nhưng mỗi tháng cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiên Lương vẫn đúng hẹn với khách hàng trên đảo từ nhiều năm nay, định kỳ vào ngày 14 hàng tháng, kể cả những ngày nghĩ.
Người dân xã đảo Sơn Hải (Kiên Lương) giải ngân nguồn vốn chính sách
Tại các buổi giao dịch giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và người dân trên xã đảo Sơn Hải, mặc dù xã chưa đến một ngàn hộ dân, nhưng sống ở nhiều khu vực khác nhau, phần lớn dân cư trên đảo làm nghề đánh bắt. Mấy năm gần đây do tình hình khai thác thủy sản trên biển giảm sút, việc đánh bắt xa bờ gặp một số khó khăn nên nhiều người chuyển đổi ngành nghề, trong đó có người chuyển sang nuôi cá trên biển. Việc nuôi cá bè trên biển đòi hỏi vốn rất lớn, có hộ phải đầu tư cả trăm triệu đồng từ việc làm lồng bè, cá giống, thức ăn… chính vì vậy, được tiếp cận nguồn vốn chính sách là nhu cầu rất lớn đối với người dân trên đảo.
Ông Giang Ngọc Quế, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, ấp Hòn Heo, xã Sơn Hải (Kiên Lương), cho biết, tổ vay vốn của chúng tôi có 30 hộ vay vốn của ngân hàng với gần 2 tỷ đồng, trong đó có chương trình giải quyết việc làm, cho vay hộ mới thoát nghèo và chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường.
“Đối với bà con tổ viên thì khi được tổ bình xét cho vay vốn thì trước tiên có tổ chức họp với các đoàn thể tham gia và trưởng ấp đến tham dự. Trong đó, tuyên truyền, vận động bà con khi được giải ngân vay tín chấp phải sử dụng đúng mục đích, thực hiện đóng lãi và gửi tiết kiệm đầy đủ, đúng thời gian”, ông Giang Ngọc Quế nói.
Ông Nguyễn Văn Bảy, ngụ ấp Hòn Ngang, xã Sơn Hải (Kiên Lương), cho biết, ông được địa phương xét đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân nguồn vốn 50 triệu đồng để đầu tư nuôi cá lồng bè.. Theo ông Bảy, trước đây ông làm nghề đánh bắt hải sản, tuy nhiên nghề này hiện nay gặp nhiều khó khăn do nguồn lợi thủy sản cạn kiệt cộng với thời tiết ngày càng khắc nghiệt nên việc đánh bắt khó khăn hơn, vì vậy ông quyết định đầu tư nuôi cá lồng bè. Việc đầu tư nuôi cá tốn kém rất nhiều nên khi được ngân hàng hỗ trợ vay vốn giúp gia đình ông có thêm tiền đề đầu tư mua các giống và thức ăn cho cá.
“Đối với nuôi cá bè cần nguồn vốn lớn để đầu tư làm lồng, mua cá giống, mua thức ăn cho cá… số tiền 50 triệu đồng được vay cũng góp phần giúp gia đình tôi có thêm điều kiện để chuyển ngành nghề cho phù hợp hơn” ông Nguyễn Văn Bảy nói.
Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải (Kiên Lương), cho biết: “Đối với nguồn vốn chính sách, khi người dân được tiếp cận vay vốn, bà con tăng gia sản xuất, mở các dịch vụ mua bán nhỏ hay nuôi trồng thủy sản… đã tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương”.
Ông Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiên Lương cho biết, hiện toàn xã Sơn Hải có tổng dư nợ các chương trình tín dụng hơn 14 tỷ 700 triệu đồng, tăng 513 triệu đồng so với đầu năm. Số hộ còn dư nợ là 298 hộ. Trong đó, cho vay chương trình học sinh sinh viên là 634 triệu đồng; vay giải quyết việc làm 6 tỷ 452 triệu đồng; cho vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn hơn 3 tỷ 900 triệu đồng; cho vay chương trình hộ mới thoát nghèo hơn 2 tỷ 800 triệu đồng; cho vay chương trình hộ cận nghèo là 360 triệu đồng; cho vay nhà ở xã hội là 488 triệu đồng.
“Với phương châm hoạt động "thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ" và tinh thần "phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã"... việc mở điểm giao dịch và giải ngân vốn vay đối với các hộ gia đình ngay trên địa bàn xã đảo đã tạo điều kiện cho các hộ dân sinh sống trên đảo tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương” ông Nguyễn Chí Hiếu thông tin thêm./.
Văn Phụng
Chia sẽ:

Tìm kiếm trang này

Bài mới đăng



Copyright 2017 © Truyền thanh Kiên Lương
Khu phố Ba Hòn | Kiên Lương | Kiên Giang