Những năm qua, các cấp Hội
Liên hiệp Phụ nữ đã xây dựng nhiều mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, mô
hình đã phát huy hiệu quả, góp phần hỗ trợ, tạo việc làm cho hội viên phát triển
kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ
trong gia đình và cộng đồng.
Thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ
tỉnh và Liên minh hợp tác xã về tăng cường vai trò phụ nữ trong đổi mới, phát
triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hàng năm Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã cụ thể hóa kế hoạch vào
chương trình công tác năm của hội, giao chỉ tiêu từng cơ sở để thực hiện. Trên cơ sở kế hoạch phối hợp giữa hai ngành, Tỉnh hội đã
chỉ đạo các cấp hội chọn điểm thực hiện để rút kinh nghiệm, đặc biệt quan tâm đến
các mô hình tại các xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông
thôn mới. Tổ chức tuyên truyền lồng ghép vào các buổi sinh hoạt tổ, nhóm, câu lạc
bộ về mục đích, ý nghĩa phát triển mô hình kinh tế tập thể. Các cấp hội làm tốt
vai trò tham mưu cấp ủy địa phương chọn địa bàn thực hiện thí điểm, tổ chức các
lớp tập huấn và hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất.
Chị Ngô Thị Thu Sương, ngụ ấp Kinh 1, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương đang tưới rau và thu hoạch rau của gia đình
Theo lời giới thiệu của cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, chúng tôi tìm gặp các chị trong Tổ liên kết sản xuất trồng trọt ấp Kinh 1 để tham quan,
tìm hiểu về hiệu quả kinh tế của mô hình mang lại. Tổ thành lập hơn 4 năm nay,
ban đầu tổ chỉ được vài thành viên đến nay đã có 10 thành viên. Ngay từ những
ngày đầu thành lập, các thành viên được tập huấn về khoa học kỹ thuật và được vay
vốn để phát triển kinh tế. Để duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm
công chăm sóc các thành viên cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong việc chăm
sóc. Chị Nguyễn Thị Ánh, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất ấp Kinh 1, cho biết: “Nhờ sự tập hợp
vào cùng tổ các chị có thêm niềm vui từ sự chia sẻ, động viên nhau và cùng hưởng
lợi từ những thành quả đạt được trong sản xuất, cùng nhau xây dựng kinh tế gia
đình. Từ mô hình này, nhiều chị em hội viên vươn lên thoát nghèo, có kinh tế ổn
định hơn”.
Việc thành lập các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất ở
các địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều tổ được duy trì hoạt động
và thu hút đông đảo hội viên tham gia. Khi tập trung sản xuất, hội viên sẽ được
hưởng lợi nhiều về chính sách vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt hạn chế thời
gian nhàn rỗi góp phần trong việc giảm tệ nạn xã hội, đời sống vật chất và tinh
thần cũng được nâng lên... Với tính cần cù, ham học hỏi chị Ngô Thị Thu Sương,
ngụ ấp Kinh 1, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương đã đầu
tư vào trồng rau muống. Vợ chồng chị gieo giống luân phiên, sau 3 lần cắt, đám
này tàn thì đám rau khác lại chuẩn bị cắt, luân canh gối vụ trên nhiều chân đất
khác nhau, đảm bảo liên tục có rau bán mỗi ngày. “Trước đây gia đình tôi khó
khăn chỉ có 500 m2 đất, tôi tận dụng trồng rau hết nhưng không đủ ăn
phải làm thuê kiếm sống. Từ khi tham gia vào tổ này, gia đình tôi được hỗ trợ vốn
vay ban đầu, được cập nhật kiến thức trồng rau; nhờ trồng rau đạt hiệu quả nên
gia đình mua được đất đến nay đã được hơn 1 ha đất...”, chị Sương thông tin./.
Thủy Tiên - Huỳnh An