Nhằm tổ chức, hướng dẫn, vận động và hỗ trợ nông dân ứng dụng các biện
pháp kỹ thuật thâm canh lúa đạt hiệu quả cao, bền vững theo hướng VietGap.
Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương phối hợp với UBND xã Hòa Điền vừa tổ chức hội thảo báo cáo Dự án
“Cánh đồng lớn sản xuất lúa theo hướng VietGap” tại ấp Tân Điền, xã Hòa Điền,
huyện Kiên Lương.
Dự án “Cánh đồng lớn sản xuất lúa theo hướng VietGap” tại ấp Tân Điền,
xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương có 34 hộ dân tham gia, sản xuất trên diện tích
100ha, giống lúa nhật DS1. Tham gia dự án này, ngoài được hỗ trợ 60% lượng
giống gieo sạ và 30% vật tư thiết yếu khác, các hộ nông dân còn được tập huấn các phương pháp, kỹ thuật canh tác lúa
theo “1 phải 5 giảm” với các nội dung kỹ thuật chủ yếu như: Làm đất, qui trình
bón phân, phòng trừ sâu bệnh và hướng dẫn ghi chép nhật ký đồng ruộng.
Hiệu quả từ dự án cánh đồng lớn mang lại đã giúp cho
nông dân xã Hòa Điền, tăng thu nhập trên cùng 1 đơn vị diện tích. Trong ảnh,
các hộ dân tham quan ruộng lúa sản xuất theo Dự án “Cánh đồng lớn sản xuất theo hướng VietGap” của gia đình ông Nguyễn
Văn Tân, tại ấp Tân Điền, xã Hòa Điền (Kiên Lương)
Trong quá trình sản xuất cánh đồng lớn theo hướng VietGap, nông dân
trong dự án còn được hướng dẫn áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, sử
dụng các loại thuốc có hoạt chất trong danh mục được phép sử dụng phòng trừ các loại dịch hại như rầy nâu, sâu cuốn lá.
Sử dụng phân bón cân đối, hợp lý, nhất là phân đạm. Do vậy giảm được dư lượng
thuốc BVTV và dư lượng Nitrat trong hạt gạo, góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe
người tiêu dùng. Đồng thời từng bước phát triển nền nông nghiệp sạch để nâng
cao khả năng cạnh tranh hạt gạo của Việt Nam trên thế giới.
Ông Nguyễn Văn Vân, ấp Tân Điền, xã Hòa Điền, chia sẽ: “Tham gia dự án cánh
đồng lớn trong vụ Đông xuân năm nay, gia đình ông
sản xuất trên diện tích 3ha. Do được tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật canh tác
theo hướng VietGap nên trong vụ sản xuất này, lúa của ông phát triển rất tốt,
ít sâu bệnh, năng suất ước tính từ 7,5 tấn/ha trở lên”.
Đối với gia đình ông Nguyễn Văn Tấn, ấp Tân Điền, xã Hòa Điền, cho biết: “Gia đình ông tham gia dự
án cánh đồng lớn với diện tích 4ha, do được hợp
đồng ngay từ đầu vụ nên giá bán cũng cao hơn so với các cánh đồng khác. Từ đó
mang lại thu nhập khá, từ 25 đến 30 triệu đồng/ha”.
Ông Trần Đức Thắng, Phó Trưởng phòng
Kinh tế huyện Kiên Lương, cho biết: “Qua đánh giá kết quả dự án cho thấy, do có ký kết hợp đồng
nên giá bán lúa của nông dân trong dự án cao hơn khoảng 100đồng/kg. Ngoài ra,
việc sạ thưa cũng đã làm cho cây lúa phát triển tốt, thân, lá cứng do quang hợp
tốt và hạn chế sâu, bệnh bệnh hại. Từ đó, chi phí đầu tư sản xuất của các hộ
dân trong dự án cũng giảm gần 3 triệu đồng/ha so với các hộ khác và lợi nhuận
cũng cao hơn so với cách sản xuất thông thường”.
Việc triển khai thực hiện dự án “Cánh đồng lớn sản xuất theo hướng
VietGap” tại xã Hòa Điền đã mang lại hiệu quả tích cực. Bước đầu đã hình thành
được thói quen sản xuất lúa tập trung, sử dụng cùng một loại giống và áp dụng
chung quy trình kỹ thuật của bà con nông dân. Qua đó giúp tăng giá trị nông
sản, tăng thu nhập và cải thiện thu nhập cho người sản xuất. Hiệu quả của mô
hình là tiền đề để huyện Kiên Lương từng bước tiến
tới việc phát huy tiềm lực nông nghiệp theo xu hướng mới đó là nông nghiệp xanh, sạch,
sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới./.
Văn Phụng