Hiện nay bắt đầu vào vụ
thả nuôi tôm công nghiệp năm 2018, nông dân và các doanh nghiệp trên địa huyện
Kiên Lương đang tiến hành các bước cải tạo ao nuôi, nhằm tranh thủ thời điểm
nguồn nước và thời tiết diễn biến thuận lợi để thả tôm giống.
Năm 2018, huyện Kiên
Lương đề ra kế hoạch thả nuôi 1.300 ha tôm công nghiệp và bán công nghiệp. Đến
nay, bà con nông dân và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã thả nuôi được
710 ha, chiếm 54% kế hoạch năm. Nhìn chung tình hình thời tiết và môi trường nước
đang diễn biến thuận lợi để tôm nuôi sinh trưởng và phát triển tốt. Tình hình dịch
bệnh cũng có phát sinh nhưng không đáng kể, chủ yếu là các bệnh gan tị, phân trắng,
mật độ vi khuẩn trong nước cao. Ông Trần Bình Trọng, Trưởng phòng Kinh tế huyện
Kiên Lương cho biết thêm: “Thời tiết,
thời điểm này cũng chưa nắng lắm, nhưng do năm 2018 các công ty và hộ dân trên
địa bàn huyện tập trung chuyển khai mô hình lót bạt đáy 2 giai đoạn có che lưới
lan, nên thời tiết nắng nóng không ảnh hưởng đáng kể đến quá trình phát triển của
tôm cũng như tình hình nuôi tôm của bà con hiện nay”.
Công nhân đang thu hoạch tôm tại ao tôm của
anh Bùi Văn Đo, ấp Tà Xăng, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương
Hiện nay vẫn còn một số hộ
nuôi tôm công nghiệp đang tranh thủ thu hoạch dứt điểm vụ tôm thả nuôi từ cuối
năm trước để chuẩn bị cải tạo ao nuôi, thả giống vụ tiếp theo. Tính từ đầu năm
đến nay, diện tích thu hoạch tôm công nghiệp và bán công nghiệp tại huyện Kiên
Lương đạt hơn 1.000 ha, năng suất bình quần 7,9 tấn/ha, tổng sản lượng hơn 1.400
tấn. Anh Lê Hoài Tâm, thương lái mua tôm tại huyện Kiên Lương, chia sẽ thêm: “Giá
tôm năm nay cao hơn mọi năm đang thu mua size 60 con giá 140 ngàn còn size 50
con giá 150 ngàn đồng”.
Tuy nhiên khó khăn lớn nhất
đối với bà con nông dân và doanh nghiệp nuôi tôm trên địa bàn huyện Kiên Lương
hiện nay là vấn đề quản lý nguồn nước đang còn nhiều bất cập. Ông Trần Bình Trọng,
Trưởng phòng Kinh tế huyện Kiên Lương, thông tin thêm: “Hiện nay hệ thống thủy
lợi trên địa bàn huyện chưa hoàn chỉnh chủ yếu là thiết kế hệ thống đường cấp
nước, còn hệ thống để xả thải, xử lý nước thải hiện nay chưa hoàn chỉnh, nó còn
chồng chéo có một số khu vực, chỉ có đường cấp và đường xả cùng chung một đường
cái sẽ gặp khó khăn khi tình hình dịch bệnh xảy ra”.
Ngoài ra tình hình thiếu
điện tại các khu vực thả nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp trên địa bàn
các xã Dương Hòa và Bình Trị cũng gây khó khăn cho người nuôi tôm, đặc biệt là
những diện tích áp dụng mô hình lót bạt đáy 2 giai đoạn./.
Trường
Giang - Huỳnh An