Nằm cách đất
liền khoảng 6km, xã đảo Sơn Hải, huyện Kiên Lương có nhiều tiềm năng, lợi thế để
phát triển tổng hợp các ngành nghề kinh tế biển như: Khai thác và nuôi trồng hải
sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, cũng như du lịch sinh thái biển đảo. Đặc biệt là
từ đầu năm 2017 đến nay, nhờ có điện lưới quốc gia được kéo từ đất liền ra xã đảo
đã tạo thêm nguồn động lực giúp cho bà con ngư dân địa phương yên tâm bám biển,
giữ đảo, vươn lên phát triển kinh tế, quyết tâm làm giàu từ biển.
Nằm trải dài trên vùng biển
gần bờ khoảng chừng 70 km vuông, xã đảo Sơn Hải bao gồm tổng cộng 42 hòn đảo lớn
nhỏ, thuộc quần đảo Bà Lụa, huyện Kiên Lương. Nơi đây có lợi thế từ thiên nhiên
ban tặng nguồn nước biển trong xanh và dòng hải lưu thích hợp để nuôi các loại
hải sản. Đây được xem là 1 trong những nghề mang lại nguồn lợi nhuận cao tại địa
phương. Hiện toàn xã có hơn 100 hộ dân làm nghề, với tổng cộng gần 650 lồng bè
nuôi các loại cá bống mú, cá bốp, cho sản lượng hơn 2 ngàn tấn mỗi năm.
Anh Đoàn Thiện Sang, ngư
dân nuôi cá lồng bè tại ấp Hòn Heo, xã Sơn Hải cho, biết thêm: “Ở ấp Hòn Heo nguồn nước rất sạch, nhờ lợi thế đó tôi
và bà con ở đây nuôi cá bóp và cá mú bản thân tôi nuôi cá được 2 năm, qua đó
sau thu hoạch góp phần thêm kinh tế cho
gia đình khá ổn”.
Bà con ngư dân xã đảo Sơn Hải, huyện Kiên Lương đang thay lưới mới để ra
khơi đánh bắt hải sản
Bên cạnh đó mặt nước biển
sạch, bãi cát ngầm cũng là điều kiện để bà con ngư dân tại Sơn Hải nuôi trồng
các loại nhuyễn thể 2 mảnh vỏ. Địa phương cũng đã thành lập được 1 hợp tác xã đồng
quản lý, khai thác và bảo tồn nguồn giống sò lụa, mang lại nguồn thu nhập khá
cao cho 85 hộ gia đình xã viên.
Đặc biệt là kể từ khi có
điện lưới quốc gia đến nay, xã Sơn Hải càng đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch
vụ hậu cần nghề cá như: May vá lưới, sản xuất nước đá, sửa chữa máy tàu biển,
và đóng tàu trên đảo. Từ đó giúp đáp ứng ngày càng tốt hơn cho đội tàu đánh bắt
hải sản của địa phương. Đến nay toàn xã có hơn 170 phương tiện đánh bắt hải sản,
với tổng công suất hơn 2 ngàn 800 CV. Sản lượng đánh bắt năm 2017 đạt hơn 14
ngàn tấn, tăng hơn 2 ngàn tấn so với năm 2016. Anh Nguyễn
Hoàng Tú, chủ cơ sở sản xuất nước đá Tuấn Lan tại ấp Hòn Heo, xã Sơn Hải nói: “Nhờ có điện
nên tôi mới mở được nhà máy sản xuất nước đá để bán cho bà con và ngư dân đi
đánh bắt hải sản, một ngày trung bình cơ sở sản xuất được khoảng 150 cây nước
đá chừng nào bà con có nhu cầu thêm thì cơ sở sẽ mở rộng sản xuất thêm”.
Với tiềm năng, lợi thế biển
đảo, và phong cảnh thiên nhiên xinh đẹp, hữu tình, đặc biệt là cảnh quan Ba Hòn
Đầm nên Sơn Hải còn là địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút được đông đảo
du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Riêng trong năm 2017, địa phương đã đón tiếp
hơn 14 ngàn 500 lượt khách du lịch, tăng hơn 2 ngàn 500 lượt người so với năm
2016.
Vui mừng, phấn khởi vì số
lượng khách du lịch đến với xã đảo ngày càng đông hơn, ông Lâm Vũ Chí, tiểu
thương tại ấp Hòn Heo, xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương, bọc bạch: “Có khách du lịch ra
tham quan thì người dân ở đây đầu tư thêm về các dịch vụ như: Tàu, xe để chuyên
chở khách du lịch và một số mặt hàng ăn uống, lưu trú, nhà trọ và khách sạn mấy
dịch vụ này trước ở đây không có nhiều nhờ đó mà người dân ở đây đã mở rộng
thêm nhiều”.
Cơ sở sản xuất nước đá
Tuấn Lan tại ấp Hòn Heo, xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương đang sản xuất nước đá
Bà Trần Thị Bích Tuyền,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã đảo Sơn Hải, huyện Kiên Lương thông tin thêm: “Xã đảo Sơn Hải cũng được các nhà đầu tư quan tâm để đầu
tư du lịch trên xã đảo thì theo dự án của nhà đầu tư thì đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng
và ước một tháng có thể thu hút hơn 10
ngàn khách du lịch”.
Nhờ khai thác tổng hợp tiềm
năng, lợi thế từ biển đảo mang lại, đã giúp cho diện mạo kinh tế, xã hội của xã
đảo Sơn Hải ngày càng phát triển. Phần lớn các hộ dân trên đảo đều có việc làm ổn
định, thu nhập tương đối cao. Đến nay thu nhập bình quân đầu người của Sơn Hải
đã đạt hơn 46 triệu đồng/1 người/1 năm. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần
của bà con ngư dân từng bước được cải thiện đáng kể. Đây cũng chính là điều kiện
để bà con ngư dân yên tâm bám biển, bám đảo, vừa phát triển kinh tế, vừa giữ vững
chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
Trường Giang - Huỳnh An