Thời gian qua, nhờ nhạy bén trong sản xuất, trồng trọt và biết sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, nhiều chị em hội viên phụ nữ tại xã Hòa Điền vươn lên khá giả với mức thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/năm
Thu nhập 100 triệu đồng/năm từ trồng rau muống
Với 5 công đất nhà, chị Ngô Thị Thu Sương, ở ấp Kinh 1, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương đã thực hiện thành công mô hình trồng rau muống thương phẩm mang lại thu nhập cho gia đình từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng.
Chị Ngô Thị Thu Sương cho biết, việc trồng rau muống được gia đình chị thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng để phát triển và mang lại thu nhập khá như hiện nay gia đình chị cũng đã nhiều lần thất bại. Bởi cây rau muống tuy dễ trồng nhưng không phải ai cũng trồng được vì còn phải dựa vào thời tiết, phải biết cách chăm sóc và trên hết là cây rau muống phải phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương.
“Để rau muống phát triển tốt, không bị sâu bệnh, ngay từ khi gieo trồng mình đã bắt đầu chăm sóc, theo dõi tới nước thường xuyên, rồi phải thường xuyên để ý xem rau có sâu bệnh hay không để phòng trị kịp thời. Làm rau muống rất cực nhưng bù lại thu nhập ổn định nên gia đình tôi quyết định chọn cây rau muống để trồng phát triển kinh tế gia đình”, chị Ngô Thị Thu Sương cho biết thêm.
Ngoài ra, nhờ được vay nguồn vốn mới thoát nghèo của Ngân hàng Chính sách nên chị đầu tư mua thêm phân bón, giống…từ đó giúp gia đình dần cải thiện thu nhập.
Rau muống từ khi trồng đến lúc thu hoạch lứa đầu khoảng hơn 20 ngày nên nông dân có thể trồng được nhiều vụ trong năm. Ngoài ra, để ngày nào cũng có rau muống đem bán, chị Sương chọn cách trồng theo kiểu “cuốn chiếu”, tức là gieo sạ xen kẽ theo từng khu vực, sau đó thu hoạch dần theo từng khu vực, cứ như vậy hầu như ngày nào gia đình chị Sương cũng có rau muống để bán.
“Sau khi thu hoạch khu vực nào xong, gia đình tôi cũng bắt cày xới để phơi đất, làm đất để chuẩn bị cho vụ gieo mới, lúc đó khu vực kế tiếp cũng đã đến thời gian thu hoạch, cứ làm như vậy nên ngày nào cũng có rau bán”, chị Ngô Thị Thu Sương nói thêm.
Nhờ cách làm này, hàng ngày gia đình chị Sương thu hoạch từ 50 đến 70kg rau muống, có những thời điểm rau muống hút hàng, gia đình chị có thể cung cấp ra thị trường trên 100kg mỗi ngày, với giá rau muống như hiện nay dao động khoảng 12 đến 15 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, chăm sóc, gia đình chị Sương thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng.
Thu nhập gần 150 triệu đồng mỗi năm từ mô hình xen canh rau màu, lúa
Đối với gia đình bà Nguyễn Thị Ánh, ngụ tại ấp Kinh 1, xã Hòa Điền (Kiên Lương), nhờ biết tận dụng hết diện tích đất nhà, cộng với nhạy bén trong trồng trọt, bà Ánh thực hiện thành công mô hình trồng xen canh giữa rau màu và lúa, hàng năm đem lại thu nhập cho gia đình gần 150 triệu đồng.
Với mô hình xen canh giữa rau màu, lúa, bà Nguyễn Thị Ánh, ấp Kinh 1, xã Hòa Điền (Kiên Lương) thu nhập gần 150 triệu đồng/năm.
Với hơn 2ha đất sản xuất, tùy theo mùa vụ, gia đình bà Nguyễn Thị Ánh, trồng xoay vòng các loại rau màu như mía, bắp, đậu đũa xen canh với lúa. Ngoài ra, tận dụng bờ ruộng lúa, bà trồng thêm các loại cà, rau màu và một số cây trồng khác để tạo thêm thu nhập.
“Theo đó, hàng năm, sau khi vụ sản xuất lúa Đông Xuân gia đình tôi cày ải, phơi đất và chuyển sang trồng bắp, đậu đũa và các loại cây trồng khác, vì thời điểm này các loại cây trồng này sẽ cho năng suất cao hơn khi tiếp tục trồng lúa vụ Hè Thu, nhờ đó mà việc canh tác khá thuận lợi”, bà Nguyễn Thị Ánh nói thêm.
Từ khi tham gia tổ hợp tác trồng màu, gia đình bà Ánh được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng màu, được hỗ trợ thêm về giống, phân bón và được vay nguồn vốn giải quyết việc làm nên bà Ánh đã thay đổi được tư duy trồng trọt, cộng với nguồn vốn được vay bà đầu tư mua thêm vật tư phân bón để sản xuất nên hiệu quả ngày càng nâng lên.
“Khi nắm bắt được kỹ thuật trồng trọt, để cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh, mình phải thường xuyên chăm sóc và tưới nước thường xuyên để cây trồng phát triển tốt. Bên cạnh đó, tùy theo sự phát triển của cây trồng mà lựa chọn bón phân cho phù hợp, giúp cây phát triển cho năng suất cao”, bà Nguyễn Thị Ánh nói.
Chị Nguyễn Xuân Đào, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, cho biết: “Nhờ được tập huấn về trồng trọt cũng như cách trồng rau màu theo hướng an toàn nên đầu ra các loại rau của gia đình dì Ánh cũng như một số chị em tại xã sản xuất khá thuận lợi, từ đó mang lại thu nhập cho chị em hội viên cao hơn trước đây. Đặc biệt, hiệu quả từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đã giúp nhiều chị có thêm điều kiện đầu tư sản xuất vươn lên khá giả với mỗi năm thu nhập gần 150 triệu đồng.
Ông Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiên Lương, cho biết, năm 2023 vừa qua, toàn huyện Kiên Lương giải ngân cho vay 451 hộ thoát nghèo với số tiền trên 2,1 tỷ đồng. Nâng dư nợ chương trình thoát nghèo của cả huyện trên 76 tỷ đồng. Để các hộ vay sử dụng nguồn vốn hiệu quả, thời gian qua ngân hàng thường xuyên phối hợp địa phương và Tổ tiết kiệm vay vốn kiểm tra việc sử dụng vốn vay của người vay. Qua đó cho thấy, hầu hết các hộ sau khi vay vốn về đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Nguồn vốn giúp hộ vay phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống…/.
Văn Phụng