Kiên Lương tăng cường phòng, chống các bệnh ở trẻ em mùa nắng nóng

Trong những ngày gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết, nhiệt độ ở các tỉnh, thành khu vực phía nam, trong đó có Kiên Giang đang ở mức cao. Từ đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, cuộc sống của người dân đặc biệt là đối với trẻ em.
Tại Khoa nhi Bệnh viện Đa khoa huyện Kiên Lương từ đầu năm đến nay khoa này đã tiếp nhận điều trị 368 ca bệnh ở trẻ em. Trong đó, các bệnh về rối loạn đường tiêu hóa và tiêu chảy là 118 ca. Đặc biệt, trong những ngày thời tiết nắng nóng các bệnh này thường xuất hiện nhiều ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân được xác định là do thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn, nhất là đối với trẻ em khi sức đề kháng còn yếu khi ăn vào những thức ăn này sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa hay tiêu chảy và tiêu chảy cấp.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Trang, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Kiên Lương khám cho bé Phạm Mỹ Phương Trang, 7 tuổi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, nhập viện hơn 4 ngày nay do rối loạn tiêu hóa
Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Trang - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Kiên Lương cho biết, khi thời tiết nắng nóng, trẻ em thường hay mắc cáo bệnh về đường tiêu hóa, trong đó có bệnh về hô hấp và tiêu chảy. Đối với bệnh tiêu chảy, triệu chứng thường gặp đó là trẻ sẽ bị ói, ăn gì vào cũng bị ói hết. Lúc đầu chỉ từ một vài lần trong ngày, sau đó tăng lên, thậm chí khi uống nước hay sữa cũng bị ói, sau đó kèm theo sốt. “Khi gặp các trường hợp trẻ bị như vậy, gia đình cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh phát ngày càng nặng hơn”, bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Trang nói.
Độ tuổi mắc các bệnh về tiêu hóa và tiêu chảy thường xảy ra ở trẻ có độ tuổi từ 3 đến 7 tuổi. Do nắng nóng, môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy. Trẻ thì hay vui đùa, dẫn đến khát nước nên dễ uống những loại nước giải khát không đảm bảo vệ sinh, hay ăn phải những thức ăn không hợp vệ sinh từ đó dẫn đến phát sinh bệnh. Như trường hợp của bé Phạm Mỹ Phương Trang, 7 tuổi, ở xã Bình An, huyện Kiên Lương, mấy ngày trước sau khi ăn cơm xong, bé Phương Trang bị nôn ói nhiều, không ăn được gì, gia đình đưa đi khám tại bác sĩ tư nhưng không giảm, sau đó bé sốt cao liên tục nên gia đình đưa đi nhập viện điều trị. Chị Võ Thị Mỹ Phương, mẹ của bé Phạm Mỹ Phương Trang, cho biết: “Do bé bị ói nhiều, không ăn uống được gì, nên thể trạng rất yếu, đến nay sau 4 ngày điều trị tại bệnh viện bé không còn ói nữa, đã ăn được cháo, tuy nhiên hiện bé vẫn còn sốt nên gia đình để bé lại bệnh viện tiếp tục điều trị”.
Còn đối với trường hợp của bé Phạm Nhật Hào, 4 tuổi, ở ấp Hòn Trẹm, xã Bình An, huyện Kiên Lương, nhập viện vào chiều ngày 11/4, cũng do bị nôn ói nhiều. Chị Hoàng Ngọc Yến, mẹ của bé Hào, cho biết: “Chị cũng không biết con mình ăn gì, buổi sáng sau khi thấy bé ói nhiều nên mua thuốc về cho uống, sau đó thấy không giảm nên gia đình đưa đi bệnh viện để điều trị. Khi đến bệnh viện khám bác sĩ cho hay bé bị rối loạn tiêu hóa. Sau 1 đêm uống thuốc và truyền nước biển đến nay bé đã khỏe nhiều, có thể ăn được cháo và uống sữa mà không bí ói nữa”.
Rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh là cách tốt nhất đề hạn chế các bệnh về tiêu hóa trong mùa nắng nóng. Trong ảnh, cô Nguyễn Thị Kim Thúy, hướng dẫn các em học sinh lớp lá 5, Trường Mầm non Hoa Mai rửa tay trước giờ ăn
Trong những ngày tới, tình hình nắng nóng khả năng còn tiếp tục kéo dài, vì vậy nhằm hạn chế các dịch bệnh trong mùa nắng nóng, nhất là đối với trẻ em. Vì vậy, bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Trang, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Kiên Lương cho biết, các bậc cha mẹ cần tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt cho các em như: rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của trẻ. Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

“Ngoài ra, đối với các trường học bậc Mầm non và Tiểu học các giáo viên cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập của trẻ bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường...có như vậy mới hạn chế được các bệnh phát sinh trong nhà trường. Trong chế biến và bảo quản đồ ăn, thức uống phải tuân thủ chặt chẽ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm loại trừ tối đa các tác nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ. Đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở các bậc phụ huynh cần tiêm ngừa đầy đủ tất cả những loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vắc-xin sẵn có, giúp trẻ được bảo vệ tốt nhất trong suốt mùa nắng nóng này”, bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết thêm./.
                                                                                                  Văn Phụng
Chia sẽ:

Tìm kiếm trang này

Bài mới đăng



Copyright 2017 © Truyền thanh Kiên Lương
Khu phố Ba Hòn | Kiên Lương | Kiên Giang