Hiệu quả từ Dự án “Cánh đồng lớn” trong vụ Đông xuân 2017- 2018 tại huyện Kiên Lương

Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất của nông dân trên cùng một đơn vị diện tích, tiến tới thực hiện vùng nguyên liệu sản xuất, góp phần nâng cao sức cạnh trạnh cho sản phẩm lúa gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Trong vụ lúa Đông xuân 2017-2018, huyện Kiên Lương triển khai thực hiện 3 Dự án Cánh đồng lớn sản xuất theo hướng VietGAP tại các xã Kiên Bình, Bình Trị và Hòa Điền, tổng diện tích 320ha. Qua đánh giá kết quả sau thu hoạch cho thấy dự án đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Nông dân ấp Tân Điền, xã Hòa Điền (Kiên Lương) thu hoạch lúa Đông xuân 2017- 2018, sản xuất theo cánh đồng lớn theo hướng VietGAP với năng suất ước đạt khoảng 7,5 tấn/ha
Các giống lúa được chọn sử dụng gieo sạ trong các dự án sản xuất cánh đồng lớn tại huyện Kiên Lương bao gồm OM 5451, OM 4900 và giốn lúa nhật DS1. Tham gia các dự án này, nông dân sẽ được hỗ trợ 60% lượng giống gieo sạ với định mức 120kg/ha và 30% vật tư thiết yếu. Ông Trần Đức Thắng, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Kiên Lương, cho biết, khi thực hiện Dự án Cánh đồng lớn trên địa bàn huyện, mục đích là nhằm giúp cho nông dân sử dụng một loại giống xác nhận, hoặc giống nguyên chủng trên một diện tích lớn. Đồng thời, thực hiện các quy trình kỹ thuật trong sản xuất như gieo sạ và thu hoạch đồng loạt, từ đó có được một lượng sản phẩm lớn, thuận lợi cho việc ký kết hợp đồng tiêu thụ của bà con. “Ngoài ra, sản xuất theo hướng VietGAP sẽ làm giảm chi phí từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng nguồn nước tiết kiệm. Sản phẩm lúa hàng hóa khi tạo ra sẽ an toàn hơn, không tồn dư hóa chất, khi đó khâu tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn, giá thành tăng hơn”, ông Trần Đức Thắng cho biết thêm.
Tham gia dự án các hộ nông dân còn được tập huấn các kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất ở các khâu như: Làm đất, quy trình bón phân, phòng trừ sâu bệnh...Ngoài ra, trong suốt vụ sản xuất, bà con nông dân còn được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn thực hiện các biện pháp canh tác theo quy trình “1 phải 5 giảm” và kỹ thuật xử lý các tình huống dịch bệnh thực tế ngoài đồng ruộng. Anh Nguyễn Văn Huy, p Tân Điền, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, chia sẽ: “Khi tham gia cánh đồng lớn, việc sản xuất của bà con được sự hỗ trợ của các kỹ sư và ngành chuyên môn nên sâu bệnh ít hơn và năng suất cũng đạt cao hơn. Riêng vụ Đông xuân năm nay gia đình tôi vừa thu hoạch xong, năng suất ước tính trên 7,5 tấn/ha”.
Ông Trần Văn Phụng, p Tân Điền, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, cho biết: “Ngoài được hỗ trợ giống và kỹ thuật sản xuất, trong vụ Đông xuân năm nay bà con nông dân cũng đã ký kết bao tiêu sản phẩm sau khi thu hoạch với giá 5.900 đồng/kg nên bà con rất yên tâm khi tiến hành sản xuất”.
Bà con nông dân thực hiện Dự án Cánh đồng lớn sản xuất theo hướng VietGAP, ấp Tân Điền, xã Hòa Điền (Kiên Lương) Hội thảo đánh giá kết quả mô hình trong vụ Đông xuân 2017- 2018
Nhờ thực hiện đồng loạt trong các khâu gieo sạ, bón phân, bơm tưới...và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác theo “1 phải 5 giảm” nên đa số các diện tích sản xuất của bà con trong dự án lúa đều phát triển rất tốt, ít sâu bệnh gây hại. Ngoài ra, nhờ thực hiện quy trình canh tác sạ thưa và sử dụng phân bón cân đối, hợp lý theo quá trình sinh  trưởng của cây lúa, từ đó chi phí đầu tư cho mỗi ha sản xuất cũng giảm khoảng 2 triệu 500 ngàn đồng/ha so với cách sản xuất thông thường mà  năng suất lại đạt cao hơn. “Tham gia cánh đồng lớn, trong các khâu làm đất, gieo sạ, bơm tưới các thành viên đều rẻ hơn khoảng 10 ngàn đồng/công. Ngoài ra, giá lúa vào thời điểm thu hoạch hiện nay cũng cao hơn từ 100 đến 200 đồng/kg so với những hộ dân sản xuất thông thường. Từ đó lợi nhuận của gia đình tôi cũng cao hơn. Trong vụ Đông xuân này, mỗi ha lúa có lời từ 25 đến 30 triệu đồng/ha”, ông Trần Văn Phụng, p Tân Điền, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương cho biết.
Một trong những ưu điểm trong sản xuất cánh đồng lớn đó là các hộ dân đều được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ nên giá bán được đảm bảo ổn định. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm trên cùng một diện tích sản xuất và giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, tránh được tình trạng ‘được mùa, mất giá hay bị các thương lái ép giá...
Ông nguyễn Văn Vân, ấp Tân Điền, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, cho biết: “Khi sản xuất giống lúa nhật DS1, trong cánh đồng lớn, được ký hợp đồng ngay từ đầu vụ nên bà con yên tâm, không như trước đây việc sản xuất của bà con luôn lo sợ sau khi thu hoạch, giá lúa thường bấp bênh và hay bị áp giá xuống thấp hơn so với bình thường”.

Ông Trần Đức Thắng, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Kiên Lương, cho biết, việc xây dựng thành công dự án sản xuất theo cánh đồng lớn theo hướng VietGAP tại huyện Kiên Lương trong vụ Đông xuân đã giúp bà con nông dân dần hình thành thói quen sản xuất theo hướng tập thể, nâng cao giá trị hàng hóa. Bên cạnh đó, thành công của dự án cũng giúp bà con nông dân từng bước xóa bỏ thói quen trong sản xuất lâu nay, đó là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, nhiều loại giống, xuống giống không đồng loạt, chăm sóc và bơm tưới không tập trung, không ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên giá bấp bênh, không ổn định. “Trong thời gian tới, phòng Kinh tế huyện sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện Kiên Lương tiếp tục triển khai, mở rộng mô hình sản xuất theo cánh đồng lớn tại các địa phương khác có điều kiện, với mục tiêu phấn đấu có khoảng 30% diện tích gieo sạ trong toàn huyện sẽ sản xuất theo cánh đồng lớn trong các năm tiếp theo”, ông Trần Đức Thắng cho biết thêm./.
                                                                                            Văn Phụng
Chia sẽ:

Tìm kiếm trang này

Bài mới đăng



Copyright 2017 © Truyền thanh Kiên Lương
Khu phố Ba Hòn | Kiên Lương | Kiên Giang